Thứ hai, 05/06/2017, 09:30 GMT+7
2409 lượt xem
Chia sẻ:

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đến năm 2020

Số hiệu
02
Loại file
Ngày ban hành
04/06/2017
Kích thước
Ngày 25/4/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 933/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đến năm 2020. Theo đó, Quy hoạch có những nội dung chủ yếu sau:

I.  MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung

- Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển mạnh chăn nuôi. Chuyển diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như lúa chất lượng cao, cao su, hồ tiêu, sắn nguyên liệu, lạc, chăn nuôi tập trung. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình thí điểm. Đầu tư thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng.

- Từng bước hoàn thiện cơ cấu hạ tầng để thực hiện thâm canh cao trên toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có. Thực hiện cơ cấu lại mùa vụ và cơ cấu cây trồng hợp lý, đảm bảo hiệu quả.

- Mở thêm nhiều cơ sở chế biến nông sản, chế biến thức ăn công nghiệp để thu hút lao động.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm đạt 5,5% (trong đó trồng trọt tăng 4,4%, chăn nuôi tăng 6,6%, dịch vụ tăng 14,5%). Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2015: Trồng trọt chiếm 54%, chăn nuôi 44,5%, dịch vụ 1,5%.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm đạt 5,7% (trong đó trồng trọt tăng 4,4%, chăn nuôi tăng 6,8%, dịch vụ tăng 14,5%). Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020: Trồng trọt chiếm 51,3%, chăn nuôi 46,3%, dịch vụ 2,4%.

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020:

1. Ngành trồng trọt

1.1. Cây lương thực:

- Cây lúa: Đến năm 2015 diện tích lúa cả năm 48.950 ha, sản lượng 252.500 tấn; Đến năm 2020 diện tích 48.800 ha, sản lượng 260.000 tấn. Diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung đạt 12.000 ha năm 2015 và 13.200 ha năm 2020.

- Cây ngô: Đến năm 2015 diện tích ngô là 5.250 ha, sản lượng 26.800 tấn; đến năm 2020 diện tích 5.580 ha, sản lượng 30.000 tấn. Tỷ lệ diện tích ngô lai đạt 95 - 96%.

1.2. Cây chất bột có củ:

- Cây sắn: Đến năm 2015 diện tích sắn là 6.500 ha và duy trì ổn định đến 2020. Trong đó vùng sắn nguyên liệu đến năm 2015 là 5.500 ha và đến năm 2020 là 6.000 ha. Về sản lượng đạt 112,65 ngàn tấn năm 2015 và 114,20 ngàn tấn năm 2020.

- Khoai lang: Đến năm 2015 diện tích khoai lang là 4.200 ha và duy trì ổn định đến 2020. Sản lượng đạt bình quân 30.000 tấn/năm.

1.3. Rau đậu các loại:

Diện tích rau đậu các loại đến năm 2015 là 6.000 ha và đến năm 2020 là 6.600 ha. Từ năm 2015 trở đi, 100% diện tích rau quả tại các vùng quy hoạch đáp ứng yêu cầu sản xuất theo VietGAP, 100% sản phẩm rau thực phẩm sản xuất trong vùng quy hoạch được chứng nhận và công bố sản xuất, chế biến theo VietGAP.

1.4. Cây công nghiệp:

- Cây lạc: Đến năm 2015 diện tích lạc là 6.500 ha, sản lượng 17.300 tấn; đến năm 2020 diện tích lạc là 6.900 ha, sản lượng 18.280 tấn. Lạc vụ Xuân chiếm 85 - 90% diện tích.

- Cây ớt: Đến năm 2015 diện tích ớt là 620 ha, sản lượng 1.240 tấn; đến năm 2020 diện tích ớt là 650 ha, sản lượng 1.500 tấn.

- Cây cao su: Đến năm 2015 diện tích cao su đạt 18.000 ha, trong đó diện tích kinh doanh 10.000 ha, sản lượng 11.000 tấn; đến năm 2020 diện tích là 23.000 ha, trong đó diện tích kinh doanh 15.000 ha, sản lượng 19.500 tấn.

- Cây hồ tiêu: Đến năm 2015 diện tích hồ tiêu đạt 1.200 ha, trong đó diện tích kinh doanh 900 ha, sản lượng 1.080 tấn; đến năm 2020 ổn định diện tích 1.500 ha, sản lượng 1.725 tấn/năm.

1.5. Cây ăn quả:  Đến năm 2015 đạt và ổn định diện tích cây ăn quả là 3.500 ha, sản lượng 20.000 - 25.000 tấn/năm.

1.6. Hoa và cây cảnh: Đến năm 2015 diện tích hoa và cây cảnh là 130 ha, trong đó 100 ha tập trung, chất lượng cao; đến năm 2020 diện tích là 200 ha, trong đó 150 ha tập trung, chất lượng cao. Xác định các loại hoa, cây cảnh có chất lượng và mẫu mã đẹp, có giá trị và năng suất cao, chủng loại phong phú để phát triển sản xuất.

1.7. Chế biến nông sản

- Chế biến cao su: Nâng số cơ sở chế biến mủ cao su từ 8 cơ sở, tổng công suất 8.050 tấn năm 2010 lên 12 cơ sở, tổng công suất 12.000 tấn năm 2020. Nâng công suất 2 cơ sở chế biến cao su của 2 Công ty TNHH MTV Lệ Ninh và Cao su Việt Trung lên khoảng 4.000 - 5.000 tấn sản phẩm/năm 2020. Xây dựng 01 nhà máy sản xuất sản phẩm cao su công nghiệp (săm lốp ôtô, xe máy...) nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cuối cùng của cao su.

- Chế biến rau quả: Tập trung đầu tư vào các cơ sở sơ chế và bảo quản sau thu hoạch có công suất trung bình, công nghệ và thiết bị linh hoạt xử lý được nhiều loại hoa quả khác nhau, đầu tư kho lạnh bảo quản rau quả tươi tại vùng trồng rau sạch. Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến như: Bột quả, nước quả cô đặc, quả ngâm đường, sấy khô, sấy thăng hoa, mứt quả... Ổn định vùng nguyên liệu cây ăn quả và các loại đậu đỗ để phục vụ cho CN chế biến khi có đủ nguyên liệu.

- Xay xát gạo, chế biến tinh bột sắn: Đầu tư xây dựng cơ sở xay xát đánh bóng gạo cao cấp trên địa bàn Lệ Thủy. Nâng công suất của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Sông Dinh Bố Trạch đạt 16.000 tấn năm 2015 và 20.000 tấn năm 2020.

1.8. Cơ giới hóa nông nghiệp: Đến năm 2020, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất cây hàng năm đạt 70 - 80%; cơ giới hóa tưới nước cho cây trồng đạt 80 - 85%, cơ giới hoá khâu gieo trồng đạt 30 - 40%, cơ giới hóa khâu phòng trừ sâu bệnh đạt 70 - 80%, thu hoạch bảo quản chế biến nông sản đạt 70 - 80%.

2. Ngành chăn nuôi

2.1. Đàn bò:

- Năm 2015: Số lượng đạt 187.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.110 tấn; tỷ lệ bò lai chiếm 34% tổng đàn; có 100 trang trại, 114 gia trại và 10 khu chăn nuôi tập trung với số đầu con chiếm 30% tổng đàn.

- Năm 2020: Số lượng đạt 232.500 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 12.970 tấn; tỷ lệ bò lai chiếm 52% tổng đàn; có 160 trang trại, 184 gia trại và 25 khu chăn nuôi tập trung với số đầu con chiếm 50% tổng đàn.

2.2. Đàn trâu:

- Năm 2015: Số lượng đạt 50.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.250 tấn; có 10% tổng đàn được nuôi trang trại, gia trại và chăn nuôi tập trung.

- Năm 2020: Số lượng đạt 51.600 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.374 tấn; có 25% tổng đàn được nuôi trang trại, gia trại và chăn nuôi tập trung.

2.3. Đàn lợn:

- Năm 2015: Số lượng đạt 565.000 con, trong đó lợn ngoại 180.500 con, chiếm 32%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 48.000 tấn; có 35% tổng đàn được nuôi trang trại, gia trại và chăn nuôi tập trung.

- Năm 2020: Số lượng đạt 693.000 con, trong đó lợn ngoại 285.500 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 62.300 tấn; có 50% tổng đàn được nuôi trang trại, gia trại và chăn nuôi tập trung.

2.4. Đàn dê:

- Năm 2015: Số lượng 26.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.040 tấn.

- Năm 2020: Số lượng 34.500 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.380 tấn.

2.5. Đàn gia cầm:

- Năm 2015: Số lượng đạt 4.540.000 con, trong đó gà 3.600.000 con; sản lượng thịt hơi 8.172 tấn; sản lượng trứng 85 triệu quả; có 25% tổng đàn được chăn nuôi tập trung.

- Năm 2020: Số lượng đạt 6.250.000 con, trong đó gà 5.350.000 con; sản lượng thịt hơi 11.875 tấn; sản lượng trứng 120 triệu quả; có 55% tổng đàn được chăn nuôi tập trung.

2.6. Chăn nuôi khác:

- Đà điểu: Phát triển với quy mô 3.000 con năm 2015, 5.000 con năm 2020.

- Ong: Đạt 6.000 đàn năm 2015; 10.000 đàn năm 2020.

- Chú trọng các vật nuôi đặc sản (nhím, hươu, lợn rừng, ba ba, thỏ, rắn) gắn với mô hình trang trại.

Giá trị sản phẩm chăn nuôi khác 2015 gấp 2 lần, năm 2020 gấp 3 lần so với 2010.

2.7. Phát triển thức ăn chăn nuôi:

* Thức ăn công nghiệp:

-  Đến năm 2015 có 70% số lợn, 50% số gia cầm được chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Đến năm 2020 có 80% số lợn, 60% số gia cầm được chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp.

- Xây dựng một nhà máy chế biến thức ăn gia súc công suất 100.000 - 150.000 tấn/năm. Nâng công suất nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty Lệ Ninh lên 20.000 tấn/năm. Nâng công suất của Xí nghiệp Sản xuất bột cá Nhật Lệ. Phát triển 1 - 2 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô 500 - 1.000 tấn sản phẩm/năm nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại các địa phương.

- Thức ăn thô xanh: Phát triển diện tích trồng cỏ đạt 1.500 ha năm 2015 và 2.000 ha năm 2020. Chú trọng sử dụng các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai ở Quảng Bình.

2.8. Quy hoạch các cơ sở giết mổ: Đến năm 2020 xây dựng từ 17 - 19 cơ sở       giết mổ gia súc, gia cầm tập trung loại I và loại II.

2.9. Quy hoạch các cơ sở chế biến:

- Đầu tư nâng cấp dây chuyền giết mổ cấp đông công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm, giai đoạn 2011- 2015 của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh lên 10.000 tấn sản phẩm/năm, tiến tới xuất khẩu trực tiếp.

- Kêu gọi đầu tư xây dựng tại thành phố Đồng Hới một nhà máy cổ phần chế biến có công nghệ linh hoạt, chế biến được nhiều sản phẩm từ gia súc, gia cầm công suất khoảng 4.000 tấn/năm.

- Đầu tư nâng công suất cơ sở chế biến thịt hộp Hương Giang (thị trấn Kiến Giang - Lệ Thủy) lên 100 tấn sản phẩm đóng hộp/năm.

  - Đầu tư xây dựng 02 cơ sở chế biến thịt gia súc gia cầm tại xã Cam Thủy (huyện Lệ Thủy) và tại vùng Bắc Quảng Trạch.

3. Diêm nghiệp: Đến năm 2015 ổn định diện tích làm muối 125 ha, trong đó tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch là 100 ha. Sản lượng 10.000 - 12.000 tấn/năm.

4. Dịch vụ sản xuất nông nghiệp:

Tốc độ tăng trưởng dịch vụ sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 14,5%/năm giai đoạn 2011 - 2020; giá trị sản xuất dịch vụ đạt 75,6 tỷ đồng năm 2015 và 158,6 tỷ đồng 2020. Tỷ trọng giá trị sản xuất dịch vụ chiếm 1,5% năm 2015 và 2,4% năm 2020 trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ giống, vật tư, thức ăn gia súc gia cầm, thú y, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.

III. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

Dự kiến vốn đầu tư cho nông nghiệp cho cả giai đoạn 2011 - 2020 là 10.114 tỷ đồng (trồng trọt 3.613 tỷ đồng, chăn nuôi 6.044 tỷ đồng, dịch vụ 457 tỷ đồng); Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước khoảng 983 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng. Còn lại là vốn của doanh nghiệp và của người dân; vốn tín dụng, vốn vay thương mại và các nguồn vốn khác.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về đất đai:

- Thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp ở các địa phương. Hạn chế tối đa việc chuyển đất sản xuất nông nghiệp sang mục đích khác. Bố trí cơ cấu hợp lý để hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh. Có chính sách thu hút các chương trình, dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện...) nhằm khai thác tiềm năng ở các vùng đất chưa sử dụng. Khai hoang mở rộng diện tích đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện.

- Tiếp tục đổi mới quan hệ ruộng đất ở nông thôn theo hướng tích tụ, tập trung đất đai gắn với phân công lại lao động trong nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích việc chuyển đổi, tích tụ ruộng đất thành những vùng tập trung để sản xuất hàng hóa.

-  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất.

2. Giải pháp khoa học công nghệ

- Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị để ứng dụng phát triển công nghệ cao (công nghệ gen, nuôi cấy mô...) trong hệ thống mạng lưới giống cây trồng vật nuôi. Đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm, sản xuất giống có chất lượng, giá trị và năng suất cao.

- Tăng cường ứng dụng khoa học CN tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

- Củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông đảm bảo đủ mạnh về lực lượng về chuyên ngành, năng lực và trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật. Xây dựng mạng lưới dịch vụ khuyến nông tự quản cơ sở. Chú trọng việc xây dựng, tổng kết các mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có hiệu quả để nhân rộng.

3. Giải pháp về thị trường tiêu thụ

- Tăng cường hệ thống thông tin, tiếp thị quảng cáo, xây dựng các đại lý, đại diện trên thị trường trọng điểm, tiến tới đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá ở thị trường trong nước và quốc tế.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế trong tỉnh, các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh có vốn, tay nghề và kinh nghiệm, để thành lập các xí nghiệp chế biến hay tổ chức tiêu thụ nông sản dưới nhiều hình thức. Tăng tỷ trọng các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến. Có chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. 

- Có chính sách trợ giá cho một số nông sản hàng hóa có tính chiến lược của tỉnh, như: Cao su, hồ tiêu, thịt lợn, thịt gia cầm... để người sản xuất yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, duy trì sản xuất khi thị trường biến động bất lợi tiêu thụ sản phẩm.

4. Giải pháp về chính sách

- Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo tay nghề cho cán bộ địa phương và cấp cơ sở, lực lượng kỹ thuật viên trên một số lĩnh vực chủ yếu.

- Đầu tư hợp lý cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông. Củng cố mạng lưới thú y xã nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ thú y tại cơ sở. 

- Chính sách về đầu tư và tín dụng: Cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước vào tình hình thực tế địa phương để có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hợp lý như: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu chăn nuôi tập trung; miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ gia đình, trang trại sản xuất hàng hóa lớn trong những năm đầu kinh doanh. Đề nghị Chính phủ sửa đổi một số chính sách không còn phù hợp.

5. Giải pháp về huy động vốn đầu tư

- Nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà đầu tư. Tạo môi trường thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục trong đầu tư. Thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách khuyến khích và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư và tín dụng.

- Chú trọng việc huy động vốn đầu tư vào sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, tranh thủ huy động nguồn vốn tín dụng Nhà nước. Chú trọng phổ biến thông tin về đầu tư các dự án cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao để thu hút nguồn vốn đầu tư.

V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Chương trình phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2020.

2. Dự án xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 100.000 - 150.000 tấn/năm.

3. Dự án xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

4. Dự án trồng cỏ thâm canh năng suất cao phục vụ chăn nuôi trâu bò thịt.

5. Dự án đầu tư phát triển cây cao su.

6. Các dự án nâng cấp và xây dựng mới cơ sở chế biến cao su.

7. Dự án quy hoạch vùng rau an toàn vành đai thành phố Đồng Hới.

8. Dự án xây dựng các vùng lúa chất lượng cao.

9. Dự án khôi phục và phát triển đàn gia cầm.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc
Hotline
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.