, 05/06/2017, 09:23 GMT+7
2370
:

Quy hoạch phát triển Báo chí, Xuất bản, In và Phát hành tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

03
04/06/2017
Ngày 27/12/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3806/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Báo chí, Xuất bản, In và Phát hành tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Quy hoạch có những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Hoạt động báo chí, xuất bản của tỉnh Quảng Bình đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Phát triển phải đi đôi với quản lý tốt, đặc biệt là chất lượng nội dung thông tin.

- Phát triển báo chí, xuất bản tỉnh Quảng Bình phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vùng Bắc Trung Bộ; đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực của cả nước.

- Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển báo chí, xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa hạ tầng. Sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư cho các nội dung thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, huy động nguồn lực xã hội cho các nội dung thông tin giải trí trên nguyên tắc thực hiện đúng quy định của Luật Báo chí.

- Phát triển báo chí, xuất bản theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tăng cường thông tin đối ngoại, đảm bảo an ninh thông tin nhưng không cản trở sự phát triển thông tin.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Báo chí, xuất bản phát triển đảm bảo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh. Tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí, xuất bản, đổi mới chất lượng chính trị và chất lượng chuyên môn của các sản phẩm thông tin, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đồng thời xây dựng kinh tế và thị trường báo chí để các cơ quan báo chí khai thác có hiệu quả tiềm năng thông tin, nhằm từng bước tự chủ về kinh tế trong hoạt động báo chí.

- Phát triển báo chí, xuất bản để ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ thông tin, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận trong dư luận xã hội, giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng thông tin giữa khu vực thành thị và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phấn đấu đưa tỷ lệ 75%/25% hiện nay lên mức 60%/40%.

- Bảo đảm đến năm 2020, Quảng Bình có một nền báo chí, xuất bản chuyên nghiệp, hiện đại, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh, góp phần đưa Quảng Bình cơ bản trở thành tỉnh phát triển trong vùng vào năm 2020.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Báo Quảng Bình đạt số lượng bản in 2,5 triệu bản/năm, trong đó 30% số lượng phát hành qua môi trường mạng Internet.

- Tập trung nâng cao chất lượng 6 tạp chí; phát triển mới 11 bản tin.

- Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình hoàn thành chuyển đổi công nghệ phát sóng tương tự sang phát sóng số mặt đất trước 31/12/2018; thời lượng phát sóng phát thanh đạt 24 giờ/ngày, truyền hình đạt 24 giờ/ngày; năng lực sản xuất chương trình phát thanh đạt 6 giờ/ngày, truyền hình đạt 10 giờ/ngày.

- Xây dựng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Quảng Trạch; tất cả các Đài cấp huyện phát sóng 3 chương trình/ngày.

- Thiết lập mới, nâng cấp các Đài Truyền thanh cấp xã, đảm bảo 100% Đài cấp xã hoạt động tốt.

- Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đến trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm xã của thành phố Đồng Hới, các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

- Xây dựng Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình và phát triển phần Nội dung tin tức của Cổng thông tin điện tử thành Báo điện tử Quảng Bình toàn cảnh.

- Xây dựng, phát triển Trang thông tin điện tử tổng hợp của các tạp chí: Nhật Lệ, Văn hóa, Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Bình; nâng cấp giao diện Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Quảng Bình trên Trang thông tin điện tử Đại học Quảng Bình.

- Các cơ sở in và phát hành từng được hiện đại, đồng bộ, công tác quản lý hiệu quả.

3. Nội dung quy hoạch phát triển Báo chí, Xuất bản, In và Phát hành tỉnh Quảng Bình đến năm 2020

3.1. Quy hoạch Báo chí

3.1.1. Báo in

a) Báo Quảng Bình:

- Từng bước phát triển Báo Quảng Bình thành nhật báo, phát hành 7 kỳ/tuần, giữ nguyên khổ; tăng trang, tăng số lượng phát hành lên 2,5 triệu tờ/năm (bình quân 6.500 – 7.000 tờ/kỳ); phát hành trên môi trường mạng với tỷ trọng đạt 70% số lượng phát hành.

- Đến năm 2020 phấn đấu đạt chỉ tiêu 90% xã có Báo Quảng Bình đến vào giờ làm việc buổi sáng.

- Phát triển nguồn nhân lực Báo Quảng Bình tăng về số lượng và chất lượng, trong đó, 91% lao động có trình độ đại học và trên đại học, 90% lao động được đào tạo về trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; trên 55% có thẻ nhà báo.

- Doanh thu đạt 23 tỷ đồng (tăng trưởng 10%/năm), trong đó tỷ trọng doanh thu quảng cáo chiếm trên 50%.

b) Các Tạp chí:

- Mở rộng phạm vi phát hành các tạp chí thông qua phát hành trên mạng Internet, đến năm 2020, tỷ lệ tạp chí phát hành qua mạng đạt 30%.

-  Phát triển nguồn nhân lực chú trọng về chất lượng, trong đó, 100% có trình độ đại học và trên đại học, 10% có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 20% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 40% được cấp thẻ nhà báo.

- Giữ nguyên số lượng tạp chí và phát triển mới các nội dung về các lĩnh vực: Thông tin đối ngoại, Thông tin Truyền thông, Du lịch, Nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể:

+ Tạp chí Nhật Lệ: Giữ nguyên khổ tạp chí; phát hành 1 kỳ/tháng, 120 trang/kỳ.

+ Tạp chí Sinh hoạt Chi bộ: Giữ nguyên khổ tạp chí; phát hành 1 kỳ/tháng, 36 trang/kỳ.

+ Tạp chí Văn hóa: Giữ nguyên khổ tạp chí; phát hành 1 kỳ/tháng, 48 trang/kỳ.

+ Tạp chí Thông tin và Khoa học Công nghệ Quảng Bình: Giữ nguyên khổ tạp chí; phát hành 6 kỳ/năm, 100 trang/kỳ; mô hình tổ chức tăng thêm 01 phòng.

+ Tạp chí An ninh Trật tự Quảng Bình: Giữ nguyên khổ tạp chí; phát hành 1 kỳ/tháng, 100 trang/kỳ; mô hình tổ chức kiện toàn theo chỉ đạo của Bộ Công an.

+ Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Quảng Bình: Giữ nguyên khổ tạp chí; phát hành 4 kỳ/năm, 100 trang/kỳ, chia làm 02 chuyên san: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn.

c) Các Bản tin, ấn phẩm mang tính báo chí:

- Phát triển mới 11 bản tin: Bản tin huyện Bố Trạch, bản tin thị xã Ba Đồn, bản tin các lĩnh vực: Thông tin truyền thông; Thông tin đối ngoại; Du lịch; Giáo dục; Công thương; Lao động và việc làm; Tài nguyên Môi trường; Giao thông; Xây dựng.

- Ngừng xuất bản các bản tin hoạt động không hiệu quả; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức bản tin, đảm bảo 100% được thực hiện qua công nghệ in offset.

3.1.2. Phát thanh – Truyền hình

a) Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình:

- Phát thanh:

Đầu tư hệ thống lưu trữ tài nguyên phát thanh và nâng cấp hệ thống phát sóng tự động; thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng phát thanh số; từng bước chuyển toàn bộ các kênh chương trình phát thanh sang truyền tải trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng số trước 31/12/2018 trên băng tần MF (526,25 - 1606,5 KHz); thời lượng phát sóng 24 giờ/ngày, năng lực sản xuất 6 giờ/ngày.

- Truyền hình:

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong sản xuất chương trình; thực hiện đa dạng hóa các phương thức truyền dẫn phát sóng; duy trì kênh QBTV1; thời lượng phát sóng 24 giờ/ngày; năng lực sản xuất 10 giờ/ngày; kiện toàn tổ chức bộ máy gồm các phòng: Tổ chức – Hành chính, Kỹ thuật và Công nghệ, Thư ký Biên tập, Phát thanh, Thời sự Truyền hình, Chuyên mục – Văn nghệ và Giải trí, Phim Ký sự và Tài liệu, Khai thác chương trình và tư liệu, Dịch vụ và quảng cáo, Thông tin điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, trên 92% lao động có trình độ đại học và trên đại học, 60% lao động được cấp thẻ nhà báo, trên 60% lao động có trình độ về lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

b) Hệ thống Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện:

- Thành lập mới Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Quảng Trạch.

- Nâng cấp các máy phát thanh cho Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới.

- Tiếp phát sóng 3 buổi/ngày, thời lượng chương trình phát sóng phát thanh đạt trên 45 phút/ngày; phối hợp với Đài tỉnh sản xuất tối thiểu 02 chương trình phát thanh, truyền hình phát sóng trên trang địa phương mỗi tháng.

 - Phát triển nguồn nhân lực chú trọng nâng cao chất lượng, trong đó, trên 75% lao động có trình độ đại học, cơ cấu lao động bao gồm 50% phóng viên, 15% biên tập viên, 20% cán bộ kỹ thuật và 15% lao động khác.

c) Đài Truyền thanh cấp xã:

- Chuyển đổi tần số tại 43 Đài Truyền thanh cấp xã sử dụng công nghệ vô tuyến trong dải tần 87 – 108 MHz sang dải tần 54 – 68 MHz.

- Tiếp sóng Đài Trung ương, tỉnh, huyện thời lượng 60 phút/ngày, phát sóng chương trình của xã 3 buổi/ngày, thời lượng phát sóng đạt 30 phút/buổi.

- Đầu tư thiết lập mới 75 Đài Truyền thanh cấp xã (trong đó, 12 xã có Đài đang hỏng không hoạt động, 63 xã chưa có Đài), nâng cấp 24 Đài Truyền thanh cấp xã có chất lượng hoạt động trung bình; bố trí mỗi Đài Truyền thanh cấp xã 1 - 2 lao động.

d) Truyền hình trả tiền:

- Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình qua mạng Internet đến trung tâm các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh; phát triển mạng lưới truyền hình số mặt đất đến trung tâm xã trên toàn tỉnh.

- Ngầm hóa mạng ngoại vi tại khu vực thành phố Đồng Hới và tại các trung tâm huyện lỵ.

- Tỷ lệ số hộ xem truyền hình trả tiền đạt trên 60%; doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng.

3.1.3. Báo điện tử, Trang thông tin điện tử tổng hợp

a) Báo điện tử:

- Báo Quảng Bình điện tử:

+ Từng bước xã hội hóa khâu lấy tin, hệ thống bài viết trên báo điện tử; phát triển các chuyên mục, chuyên đề bám sát với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng mức độ cập nhật các tác phẩm, tỷ lệ tác phẩm do cơ quan báo thực hiện ở mức 75% - 80%, khai thác ở mức 20% - 25%.

+ Xây dựng thêm phiên bản ngôn ngữ tiếng Anh trên Báo điện tử Quảng Bình.

- Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình: Phát triển phần nội dung tin tức của Cổng thông tin điện tử thành Báo điện tử Quảng Bình toàn cảnh.

b) Các Trang thông tin điện tử tổng hợp:

- Nâng cấp chuyên trang của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Quảng Bình trên Trang thông tin điện tử tổng hợp của Đại học Quảng Bình.

- Phát triển mới trang thông tin điện tử tổng hợp của các tạp chí: Nhật Lệ, Văn Hoá, Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Bình.

- Phát triển trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài Phát thanh – Truyền hình thành báo điện tử.

3.2. Quy hoạch Xuất bản, In và Phát hành

3.2.1. Lĩnh vực xuất bản

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xuất bản các tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, nhất là khuyến khích xuất bản các tài liệu hướng dẫn quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

- Định hướng để các hoạt động xuất bản không nhằm mục đích kinh doanh thực hiện đúng Luật Xuất bản, khắc phục các vi phạm trong quảng cáo, nộp lưu chiểu, ghi các thông tin trên xuất bản phẩm...

3.2.2 Lĩnh vực in

- Phát triển thêm 7 cơ sở in, bao gồm các cơ sở in sách, tài liệu; cơ sở in biểu mẫu, vé, hóa đơn, chứng từ, biên lai; cơ sở in bao bì, nhãn hiệu, hàng hóa.

- Quy mô nguồn nhân lực tăng bình quân 10%/năm trong đó lao động kỹ sư tăng bình quân 10%/năm, lao động kỹ thuật viên tăng 15%/năm, giảm dần số lượng lao động phổ thông.

3.2.3. Lĩnh vực phát hành

- Phát triển thêm 01 - 02 trung tâm sách có quy mô lớn tại thành phố Đồng Hới; phát triển 01 nhà sách ở thị xã Ba Đồn và 01 nhà sách ở huyện Lệ Thủy có quy mô phù hợp để điều tiết sách cho các huyện trong vùng; phát triển ở mỗi huyện còn lại từ 01- 02 nhà sách có quy mô hợp lý bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu của nhân dân; tổ chức hệ thống hiệu sách, đại lý sách ở các xã, phường, thị trấn và các trường học.

- Quy mô nguồn nhân lực tăng bình quân 10%/năm, trong đó lao động có trình độ đại học và trên đại học tăng 12%/năm, lao động có trình độ cao đẳng tăng 8%/năm.

4. Định hướng phát triển Báo chí, Xuất bản, In và Phát hành đến năm 2030

4.1. Định hướng phát triển Báo chí

- Đến năm 2030, Quảng Bình có quy mô từ 10 – 15 cơ quan báo chí với 3 cơ quan nòng cốt: Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình, Báo điện tử toàn cảnh Quảng Bình.

+ Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh phát triển theo hướng cơ quan truyền thông đa phương tiện, phát sóng 3 – 5 kênh truyền hình theo chuẩn cao hơn HD như: chuẩn Quard – HD, chuẩn Ultra – HD, chuẩn 3D và các công nghệ tiếp theo. Phát triển mới kênh truyền hình QBTV2: thể thao, giải trí, tổng hợp và thông tin đối ngoại.

+ Báo Quảng Bình giảm số lượng phát hành các ấn phẩm báo in, ấn phẩm Báo điện tử trở thành ấn phẩm chủ lực của Báo.

+ Báo điện tử toàn cảnh Quảng Bình đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng, kết hợp với các dịch vụ hành chính công được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử mức độ trực tuyến.

+ Các cơ quan báo in phát triển theo hướng thông tin chuyên ngành, sử dụng thông tin điện tử là ấn phẩm chủ lực.

- Truyền hình trả tiền có số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ ổn định từ 3 – 5 đơn vị. Hạ tầng phát triển theo hướng hội tụ với hạ tầng mạng viễn thông. 100% người dân được tiếp cận với dịch vụ truyền hình trả tiền.

- Thông tin điện tử phát triển mạnh mẽ với số lượng lớn, mọi tổ chức, doanh nghiệp đều sử dụng thông tin điện tử hỗ trợ cho hoạt động của đơn vị.

4.2. Định hướng phát triển Xuất bản, In và Phát hành

- Thành lập Nhà xuất bản Quảng Bình.

- Phấn đấu đến năm 2030, lượng đầu xuất bản phẩm/năm tăng 10%, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh với cơ cấu chủng loại phong phú; trong đó đảm bảo có tỷ trọng hợp lý ấn phẩm xuất bản về các đề tài địa phương và tác giả địa phương trên cả 2 loại hình: Tuyên truyền và kinh doanh.

- Khuyến khích phát triển cơ sở in lớn, hạn chế các cơ sở in nhỏ lẻ. Các cơ sở in lớn được đầu tư, nâng cấp hiện đại đủ sức phục vụ cho tất cả nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

- Mạng lưới phát hành phủ đến tận xã, thông tin cung cấp cho nông dân phong phú và đa dạng, mức chênh lệch về hưởng thụ văn hóa phẩm giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn. Các hình thức phát hành qua mạng Internet được triển khai đến tất cả các xã khó khăn.

5. Nhu cầu về vốn đầu tư, nguồn vốn

Giai đoạn 2015 – 2020, ưu tiên đầu tư 8 dự án, với tổng kinh phí đầu tư 108 tỷ đồng, trong đó, Ngân sách tỉnh: 29 tỷ đồng, Ngân sách Trung ương: 19 tỷ đồng, nguồn xã hội: 60 tỷ đồng.

:
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.