Thứ sáu, 19/04/2019, 09:38 GMT+7
2479 lượt xem
Chia sẻ:

Tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp

Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều bộ luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó có Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Các Luật này được ban hành đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

news4

Theo đó, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 đã tiếp tục tạo pháp lý quan trọng bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà luật không cấm. Cùng với đó, bãi bỏ các yêu cầu, điều kiện tại thời điểm thành lập doanh nghiệp cũng như đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp.

Ngay sau khi các Luật này có hiệu lực, các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thi hành Luật để bảo đảm hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp về cơ bản không bị gián đoạn và xáo trộn. Những cải cách quan trọng của hai Luật này đã bước đầu phát huy hiệu quả, được người dân và doanh nghiệp đón nhận tích cực. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều tăng so với cùng kỳ năm 2014.

Những tác động tích cực của Luật đầu tư

Từ ngày 01/7/2015 đến ngày 30/11/2018 đã có 8.909 dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) với tổng vốn đăng ký cấp mới là 61,06 tỷ USD và 3.961 dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, với tổng vốn tăng thêm là 28,04 tỷ USD. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn đầu tư thì tổng vốn đầu tư đăng ký trong giai đoạn này đạt 89,1 tỷ USD, tăng 5,6% so với giai đoạn 3,5 năm trước đó (từ 2012 - 30/6/2015).

Trong giai đoạn này, số vốn giải ngân cũng tăng đều qua các năm, từ 14,5 tỷ năm 2015, tăng lên 15,8 tỷ năm 2016 và 17,5 tỷ năm 2017. Đây là mức tăng kỷ lục về vốn thực hiện trong 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, đã có 6.148 dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước được cấp GCNĐKĐT với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60,4 tỷ USD. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng tiếp tục được triển khai theo quy định mới của Luật đầu tư với 419 dự án được cấp GCNĐKĐT, tổng vốn đăng ký đạt 2,4 tỷ USD.

Kết quả nêu trên cho thấy những tác động tích cực của việc thực hiện những cải cách quan trọng của Luật đầu tư. Một là, theo quy định của Luật này, lần đầu tiên các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được hệ thống hóa, tập hợp và công bố công khai theo cách tiếp cận "chọn bỏ" nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong các ngành, nghề mà luật không cấm hoặc không quy định phải có điều kiện. Bên cạnh đó, Luật đã giao Chính phủ công bố công khai Danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện và điều kiện đầu tư áp dụng đối với từng lĩnh vực phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (nội dung công bố gồm: lĩnh vực, điều kiện áp dụng, căn cứ áp dụng và cơ quan có thẩm quyền quản lý). Đây là điểm mới rất quan trọng, góp phần minh bạch hóa các lĩnh vực đầu tư có điều kiện đang được quy định thiếu cụ thể, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hai là, Luật đã xóa bỏ phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài, tạo mặt bằng pháp lý bình đẳng về quyền thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Theo đó, trừ một số hạn chế về tỷ lệ vốn góp và phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài được quyền thành lập tất cả các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật doanh nghiệp, được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ sở hữu không hạn chế và thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định áp dụng thống nhất đối với nhà đầu tư trong nước.

Ba là, Luật đã bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với hầu hết dự án đầu tư, trừ một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Quy định này góp phần giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho nhà đầu tư bởi hiện nay phạm vi các dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục này quá rộng, trong đó có nhiều dự án chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh thông thường, không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và đã có văn bản pháp luật quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh. Mặt khác, việc thực hiện quy định này sẽ giúp xóa bỏ sự chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan quản lý, tạo điều kiện để các cơ quan này tập trung nguồn lực quản lý đối với dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện quản lý theo pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế. Ngoài ra, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật đã quy định rõ quy trình thực hiện dự án và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở địa phương trong việc hỗ trợ nhà đầu tư chuẩn bị dự án đầu tư. Theo đó, một số công việc liên quan đến việc xác định địa điểm đầu tư trước đây nhà đầu tư phải thực hiện nay thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương.

Bốn là, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật đã quy định một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dự án đầu tư cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Cụ thể, Luật đã bổ sung quy định về điều chỉnh dự án đầu tư; chuyển nhượng dự án đầu tư; giãn tiến độ đầu tư; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư…theo hướng xác định cụ thể điều kiện, thủ tục, thẩm quyền giải quyết cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục này. Qua đó tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý thực hiện công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả tình hình hoạt động của dự án đầu tư, đồng thời là cơ sở để áp dụng các biện pháp xử lý trong trường hợp nhà đầu tư có hành vi vi phạm hoặc bảo đảm giải quyết quyền lợi của người lao động, các chủ nợ, thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

Năm là, Luật đã đổi mới quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hướng xác định rõ mục đích quản lý nhà nước đối với hoạt động này, đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc thực hiện quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài nói chung và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước để thực hiện hoạt động này nói riêng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật đầu tư vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc như: Một số quy định của Luật này và pháp luật hiện hành về ngành, nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh không được thực hiện hoặc chưa được thi hành đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả. Một số quy định của Luật đầu tư và văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi. Các quy định của Luật về thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư còn thiếu rõ ràng, cụ thể, minh bạch, gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó, các quy định về khái niệm, điều kiện, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù đã có nhiều cải cách, nhưng chưa bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch. Một số quy định về thủ tục triển khai dự án đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư chưa được quy định đầy đủ, cụ thể và bảo đảm tính khả thi, hợp lý. Các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Những tác động tích cực của Luật doanh nghiệp

Trong hơn 03 năm thi hành Luật doanh nghiệp 2014, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đều tăng liên tục so với cùng kỳ và số vốn cam kết đưa vào thị trường luôn duy trì ở mức cao. Tính từ 01/7/2015 đến hết quý III/2018, đã có 381.196 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký mới là 3.458.218 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, kể từ sau khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể và số vốn tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Những cải cách của Luật doanh nghiệp đóng vai trò như biện pháp cởi trói nút thắt của dòng tiền đổ vào nền kinh tế. Điều này không chỉ thể hiện thông qua sự gia tăng mạnh mẽ số vốn đăng ký thành lập mới như phân tích nêu trên mà chính các doanh nghiệp đang hoạt động cũng không ngừng bổ sung vốn điều lệ để phục vụ việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu như năm 2014, số vốn điều lệ đăng ký tăng thêm chỉ đạt 595.707 tỷ đồng thì năm 2017, con số này đã lên tới 1.869.322 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2014.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thủ tục khởi sự kinh doanh tăng lên hạng 106 (so với thứ hạng 125 năm 2014, giảm từ 10 thủ tục xuống 8, giảm từ 34 ngày xuống 17 ngày), quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ hiện xếp hạng 89 (so với thứ hạng 117 năm 2014, thứ hạng 169 năm 2013).

Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hóa. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh…

Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016 (trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc). Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc…

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh thì vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, đặc biệt là một số chỉ số của môi trường kinh doanh Việt Nam bị tụt hạng mạnh so với khu vực và thế giới.

Các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chậm được cập nhật, theo dõi, tập trung cải thiện dẫn tới năm 2018 giảm 01 bậc trong xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), giảm 03 bậc trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Ngoài những yếu tố nêu trên, thực tiễn tình hình thực hiện Luật doanh nghiệp trong hơn 03 năm qua cũng cho thấy, một số nội dung của Luật còn tồn tại những hạn chế như: Phân tán về thủ tục đăng ký doanh nghiệp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành. Một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không còn cần thiết, tạo ra chi phí không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa và bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và xã hội là cần thiết, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan và với thực tiễn mới phát sinh. Một số quy định của Luật chưa tạo thuận lợi cho cổ đông bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước chưa tính đến doanh nghiệp trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn gần 4 năm thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các Luật này nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp là cần thiết. Qua đó, góp phần hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Đồng thời, cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trên cơ sở bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Luật được xây dựng theo hướng bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19 được ban hành hằng năm bắt đầu từ năm 2014 và tiếp nối là Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật đầu tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, chuyển giao công nghệ.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc xây dựng Luật sửa đổi một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tổ chức xây dựng dự án Luật, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để các tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Đồng thời, tổ chức các buổi tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, nhà tư vấn, văn phòng luật sư, doanh nghiệp… Theo dự kiến, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 10/2019./.

Website Bộ KHĐT

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc
Hotline
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.