Thứ hai, 04/10/2021, 03:21 GMT+7
2220 lượt xem
Chia sẻ:

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 đạt được một số kết quả tích cực

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 đạt được một số kết quả tích cực

Ngày 02/10/2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm; tính chung 9 tháng, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, 1,42% dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Trong tháng 9, giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm ổn định; tính chung 9 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2016 đến nay.

Thị trường tiền tệ ổn định, tín dụng trong 9 tháng đầu năm tăng 7,39%, tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Thu ngân sách 9 tháng đạt 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ, kịp thời đáp ứng nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân trong khi vẫn thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Sau thời gian dài tạm dừng do phải giãn cách xã hội, nhiều dự án đầu tư công tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội được triển khai đồng loạt trở lại, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021.

Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 9 tháng tăng 22,3% so với cùng kỳ, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế trong tương lai gần.

Tính chung 9 tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá, không để bùng phát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. An ninh lương thực, thực phẩm bảo đảm đầy đủ, kịp thời để hỗ trợ người dân, nhất là tại các khu vực cách ly, địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài; chuẩn bị sẵn sàng nguồn dự trữ để cứu trợ thiên tai. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh.

Về phát triển doanh nghiệp, trong 9 tháng cả nước ghi nhận 117,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động. Việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện lộ trình mở cửa trở lại tạo tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, trên 70% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh những tháng cuối năm.

Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được kịp thời ban hành, được cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao, giúp duy trì sản xuất, chống đứt gãy các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, xử lý các quy định pháp luật còn chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn; triển khai nhiều giải pháp xử lý ách tắc trong lưu thông hàng hóa, vận tải cảng biển. Cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và cung ứng dịch vụ công được đẩy mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, tổ chức thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống nhân dân, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách. Đã hỗ trợ khoảng 14,9 nghìn tỷ đồng cho 18,1 triệu lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí khoảng 30 nghìn tỷ đồng; đã hỗ trợ 152,6 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân gặp khó khăn. Công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão, lũ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Dịch bệnh phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của kinh tế- xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, hành khách bị đình trệ, chi phí tăng cao, sức mua trong nước giảm sút, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đời sống người dân, người lao động, nhất là tại khu vực thành thị chịu tác động nặng nề.

Tăng trưởng quý III giảm đáng kể ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro, thách thức. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc làm, sinh kế, đời sống người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tại khu vực thành thị...

Nguyên nhân của kết quả đạt được là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất với phân công, phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện; kế thừa kết quả và kinh nghiệm đạt được; tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của nhân dân cả nước, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, nước ta vẫn đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, chủ yếu do các nguyên nhân như bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng nặng nề đến các chuỗi sản xuất, tiêu dùng trên cả nước. Kinh thế thế giới trong xu hướng phục hồi nhưng chưa đồng đều, thiếu ổn định; tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy; giá cả nguyên, nhiên vật liệu, cước phí vận tải tăng cao; vốn FDI toàn cầu giảm mạnh. Năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, năng lực sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống bất ngờ phát sinh.

Một số cơ quan trung ương, địa phương, cá nhân còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình; năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế, chủ quan, lơ là, khi có dịch thì hoang mang, lo sợ, né tránh, sợ trách nhiệm; việc thực hiện các biện pháp, hướng dẫn của trung ương về phòng, chống dịch bệnh chưa nghiêm, thiếu linh hoạt; công tác phối hợp chưa hiệu quả, vướng mắc về thể chế chưa được tháo gỡ kịp thời.

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng cơ bản ổn định, đạt được một số kết quả tích cực; dịch bệnh dần được kiểm soát, từ cuối tháng 9 các địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa lại nền kinh tế theo lộ trình thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, tình hình kinh tế- xã hội trong quý III tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh kéo dài. GDP quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ, tiềm ẩn một số rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn trong cả ngắn và dài hạn. Áp lực khôi phục sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm là rất lớn. Phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 vẫn là yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm; nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề, yêu cầu các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm, thống nhất quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Các mục tiêu phấn đấu trong những tháng cuối năm 2021

Từ bối cảnh, dự báo tình hình quốc tế và trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 5 mục tiêu. Một là, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 đã đề ra. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng theo 02 kịch bản. Kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3,0% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 3,5 điểm phần trăm), quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 7,06%. Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 3,0 điểm phần trăm), quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 8,84%.

Hai là, phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, bảo đảm nguồn vắc-xin, thuốc điều trị và nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là ở cơ sở; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong thời gian sớm nhất có thể. Nhanh chóng nới lỏng giãn cách, sớm mở cửa nền kinh tế an toàn, có lộ trình, có kiểm soát ngay đầu tháng 10/2021. Việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý IV và cả năm là bao nhiêu đều phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố này.

Ba là, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

Bốn là, các cấp, các ngành đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là vốn ODA, vừa tạo động lực, đóng góp cho tăng trưởng, vừa giúp tăng thu ngoại tệ cho nền kinh tế.

Năm là, giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; gìn giữ môi trường hòa bình, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn

Về phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trong những tháng cuối năm, các cấp, các ngành cần quán triệt, thực hiện nghiêm, nhất quán chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”; xác định lộ trình mở cửa nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” phù hợp với tiến độ tiêm vắc-xin. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Coi kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống Nhân dân và phục hồi nền kinh tế, không lỡ nhịp với kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn của Việt Nam; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất, đời sống; tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn. Đây phải là nhiệm vụ chính trị hàng đầu hiện nay của cấp ủy và chính quyền các cấp.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm đã nêu tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12/8/2021 của Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp như tập trung, ưu tiên toàn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn, không để dịch tái phát, lan rộng, nhất là các địa bàn đặc biệt quan trọng, các khu đô thị lớn, khu công nghiệp; Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định sản xuất và phục hồi trong những tháng cuối năm. Théo đó, thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp.

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 105/NQ-CP; nhanh chóng nắm bắt, kịp thời ban hành giải pháp có trọng tâm, trọng điểm xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trong tuần đầu tháng 10/2021, hoàn thành, báo cáo cấp có thẩm quyền Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Các Bộ, ngành, địa phương phải thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Tổ công tác của cơ quan mình, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững; Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Quyết liệt triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu...; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng nền tảng số quốc gia dùng chung; sửa đổi quy định pháp luật còn chồng chéo, cản trở hoạt động đầu tư công; khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022; kịp thời có phương án bảo đảm an toàn và tiến độ thi công công trình trong mùa thiên tai, mưa lũ cuối năm.

Chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động và hạ tầng kết nối để thu hút đầu tư các dự án FDI lớn; theo dõi, tháo gỡ kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp FDI; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, trực tuyến.

Thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, trong đó đề xuất Quốc hội xem xét dự án một Luật sửa 10 Luật; Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời sửa đổi các Nghị định, Thông tư theo thẩm quyền.

Khẩn trương hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp tục hoàn thiện thể chế liên kết vùng./.

Website Bộ KHĐT

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc
Hotline
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.