Thứ ba, 22/01/2019, 08:50 GMT+7
2738 lượt xem
Chia sẻ:

Tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng

Tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng

Tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến.

dn

Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Đặc biệt, Luật doanh nghiệp đã bãi bỏ một số yêu cầu, điều kiện tại thời điểm thành lập doanh nghiệp để từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hơn hai năm thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các luật này. Một là, theo quy định tại Điều 8 Luật đầu tư, Quốc hội giao Chính phủ, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7 của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Do vậy, việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.

Hai là, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Thực tế cho thấy, Luật đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật bảo vệ môi trường và một số luật chuyên ngành khác… cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau nhưng chưa có sự phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật nêu trên.

Ba là, mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng một số quy định của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, chưa thật sự bảo đảm tính khả thi. Luật đầu tư chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng, đồng thời chưa phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật đất đai và Luật đấu thầu. Luật cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, quy định của Luật đầu tư về hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư (như điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư…) còn một số nội dung thiếu cụ thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện. Mục đích, giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chưa được làm rõ; hình thức đầu tư ra nước ngoài chưa thật sự phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam; hồ sơ, trình tự quyết định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định thống nhất giữa Luật đầu tư và Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Quy định của Luật doanh nghiệp về việc áp dụng luật chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp dẫn đến phân tán đầu mối đăng ký thành lập doanh nghiệp, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi có yêu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh. Một số quy định về quản trị doanh nghiệp còn thiếu linh hoạt.

Do vậy, việc xây dựng dự án Luật là rất cần thiết, nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Đồng thời, cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trên cơ sở bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Dự án Luật được xây dựng phải bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP (nay là Nghị quyết số 02/NQ-CP) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật đầu tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, chuyển giao công nghệ./.

Website Bộ KHĐT

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc
Hotline
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.