Thứ sáu, 11/12/2020, 02:58 GMT+7
2526 lượt xem
Chia sẻ:

Xây dựng một nền kinh tế “Việt Nam 4.0” gắn kết, minh bạch và bền vững

Ngày 08/12/2020, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Đánh giá đa chiều của Việt Nam” (MDR) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam và Paris, Pháp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự và có bài phát biểu chào mừng tại buổi Lễ.

1

Hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập, minh bạch và bền vững

Tham dự Lễ công bố có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Jeffrey Schlagenhauf và Phó Giám đốc Trung tâm phát triển OECD Federico Bonaglia cùng đại diện Đại sứ quán của một số quốc gia châu Âu tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khái quát những kết quả nổi bật của Việt Nam đạt được trong gần 35 năm Đổi mới và nhấn mạnh để tạo đà phát triển bứt phá trong giai đoạn phát triển tới, Việt Nam cần có cách tiếp cận và tầm nhìn mới, phù hợp với xu thế của thế giới, đồng thời khai thác tốt cơ hội của thời đại và lợi thế so sánh của mình để đạt được mục tiêu đã đề ra trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, Báo cáo MDR là một tài liệu công phu, có giá trị tham khảo cho Chính phủ, Tổ biên tập và các bộ, ngành của Việt Nam, đóng góp kịp thời, thiết thực vào xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Báo cáo MDR đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn cần khắc phục, những cơ hội cần được nắm bắt nhanh chóng và hiệu quả, những cải cách mạnh mẽ cần thực hiện trong nhiều lĩnh vực nhằm đạt tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập, minh bạch và bền vững. Kết quả nghiên cứu của Báo cáo MDR giúp Việt Nam có thêm thông tin đánh giá toàn diện hơn cũng như xác định hướng phát triển trong 10 năm tới của đất nước. Các phiên bản của báo cáo kể từ khi đánh giá bước đầu đến bản mới nhất đều được các thành viên của Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam tham khảo trong quá trình dự thảo Chiến lược.

Với 27 khuyến nghị cấp cao, 70 hành động, trong đó có 16 hành động ưu tiên, Báo cáo MDR thực sự là một tài liệu tham khảo hữu ích cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam.

Con người, Thịnh vượng, Quan hệ đối tác, Hành tinh và Hòa bình

Theo đánh giá của OECD, tăng trưởng kinh tế là quan trọng, nhưng chỉ là một khía cạnh của phát triển. Các nhà hoạch định chính sách được đòi hỏi phải tạo ra sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường để bảo đảm rằng con đường phát triển của đất nước họ là bền vững và cuộc sống của người dân được cải thiện. Đồng thời, việc đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường cần có những chiến lược cải cách cân nhắc đến tính bổ sung và đánh đổi giữa các chính sách.

Các đánh giá đa chiều (MDR) của OECD đưa ra cho các chính phủ những lời khuyên chính sách cụ thể đối với các chiến lược phát triển quốc gia của họ. Chúng xác định những hạn chế chủ yếu đối với tăng trưởng công bằng và bền vững hơn và đề xuất các ưu tiên cho can thiệp chính sách. MDR Việt Nam hỗ trợ soạn thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 sẽ định hướng cho phát triển Việt Nam trong mười năm tới.

MDR bao gồm ba phần: Đánh giá bước đầu, Khuyến nghị chiến lược và Từ phân tích đến thực thi. Cách tiếp cận này nhằm mục đích đồng tạo ra các cải cách đáp ứng đầy đủ các thách thức và cơ hội cụ thể của một quốc gia, và đi kèm với hướng dẫn thực hiện Quá trình này kết hợp phân tích chính sách của chuyên gia với các phương pháp có sự tham gia bao gồm các hội thảo “Học hỏi của Chính phủ” thu hút sự tham gia của các chủ thể đến từ khu vực tư nhân và khu vực công, xã hội dân sự và giới nghiên cứu.Trình bày Báo cáo đa chiều của Việt Nam, tại điểm cầu Paris, Pháp, Trưởng phòng MDR, Trung tâm Phát triển OECD Jan Rielaender cho biết, với 7 mục tiêu chiến lược, bao gồm: tạo ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ; cải cách công tác quản lý các doanh nghiệp nhà nước; cải thiện giáo dục đại học Việt Nam; tính bền vững và chuyển dịch về năng lượng; nâng cao hiệu quả của nhà nước, Báo cáo hướng tới nền kinh tế hội nhập, bền vững và minh bạch.

Công việc phân tích dựa trên số liệu thống kê về tình trạng khỏe mạnh và hạnh phúc của cá nhân cũng như hiệu quả kinh tế vĩ mô và vi mô ở cấp quốc gia, địa phương, ngành lĩnh vực, hộ gia đình và doanh nghiệp. Cả hai nguồn trong nước và quốc tế đều được sử dụng. Phân tích cũng dựa trên dự báo và các chỉ số được các chuyên gia tại OECD xây dựng.

Trong đó, phần đầu tiên “Đánh giá bước đầu” được xây dựng trên cấu trúc Con người, Thịnh vượng, Quan hệ đối tác, Hành tinh và Hòa bình của SDGs. Đối với mỗi phương diện trong cấu trúc này, các điểm mạnh và hạn chế, cũng như các xu hướng có thể tạo ra cơ hội hoặc cản trở sự tăng trưởng trong tương lai được xác định.

Phần thứ hai của Báo cáo đưa ra các khuyến nghị chiến lược để giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững. Cụ thể, báo cáo đề xuất các chính sách tạo ra các cơ hội mới trong nông nghiệp, chế biến chế tạo và dịch vụ; nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường giáo dục cao đẳng, đại học của Việt Nam nhằm nâng cấp kỹ năng và tạo sự đổi mới; cải thiện việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và năng lượng để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững và khuyến khích sự chuyển đổi chủ động sang nền kinh tế các-bon thấp.

Phần thứ ba là những khuyến nghị cho Việt Nam nhằm tăng cường khả năng thực thi và đề xuất thẻ điểm để giám sát tiến độ của các cải cách.

Báo cáo này thể hiện nỗ lực thực sự đa ngành trong việc hỗ trợ dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo của Việt Nam. Báo cáo huy động kiến thức chuyên môn từ khắp OECD, kết hợp kiến thức chuyên môn về kinh tế, xã hội, thống kê, môi trường và thể chế. Báo cáo được xây dựng với sự cộng tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác của Trung tâm phát triển EU - OECD dành cho châu Á, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Quỹ Hanns - Seidel tại Việt Nam./.

Website Bộ KHĐT

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc
Hotline
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.