, 05/06/2017, 09:32 GMT+7
2460
:

Quy hoạch phát triển cao su tỉnh Quảng Bình đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

03
04/06/2017
Ngày 15/6/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1358/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su tỉnh Quảng Bình đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, Quy hoạch có những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển cao su trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Quá trình thực hiện phải có lộ trình, bước đi phù hợp, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái.

- Quy hoạch phát triển cao su trên cơ sở nhu cầu của thị trường. Khai thác, phát huy có hiệu quả lợi thế về đất đai và các điều kiện khác để phát triển bền vững. Áp dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm cao su trên thị trường.

- Phát triển cao su theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến và thị trường để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

- Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo sản xuất cao su có hiệu quả, bền vững.

2. Mục tiêu phát triển:

- Đến năm 2015: Diện tích cao su toàn tỉnh đạt 18.000 ha, trong đó diện tích đưa vào khai thác 10.000 ha, sản lượng 11.000 tấn mủ khô (năng suất bình quân đạt 1,1 tấn/ha). Giải quyết việc làm ổn định cho trên 12.000 lao động.

- Định hướng đến năm 2020: Diện tích cao su toàn tỉnh đạt 23.000 ha, trong đó diện tích đưa vào khai thác 15.000 ha, sản lượng 19.500 tấn mủ khô (năng suất bình quân đạt 1,3 tấn/ha).

3. Định hướng quy hoạch:

- Mở rộng diện tích cây cao su trên các đối tượng đất có điều kiện lập địa phù hợp, trong đó xem xét chuyển đổi những diện tích rừng tự nhiên sản xuất nghèo kiệt, rừng trồng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cao su ở những nơi có điều kiện nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp.

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đưa giống mới có năng suất cao và thích ứng với đặc thù khí hậu thời tiết của tỉnh vào sản xuất; đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động trong việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su.

- Về định hướng mô hình sản xuất, có 2 loại: Mô hình liên kết (cao su tiểu điền): Nông dân có đất, các doanh nghiệp hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; mô hình tự chủ (cao su đại điền): Các doanh nghiệp thuê đất hoặc liên kết với các đơn vị chủ rừng; tự chủ về vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CAO SU ĐẾN NĂM 2015

1. Tổng diện tích cao su theo địa phương:

Đến năm 2015, diện tích cao su toàn tỉnh đạt 18.086 ha, trong đó:

- Huyện Lệ Thủy 4.311 ha, thuộc 13 xã: Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy, Phú Thủy, Dương Thủy, Mai Thủy, Mỹ Thủy, Thái Thủy, TTNT Lệ Ninh, Văn Thủy, Sen Thủy, Trường Thủy và Sơn Thủy.

- Huyện Quảng Ninh: 452 ha, thuộc 6 xã: Hiền Ninh, Vạn Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn, Hàm Ninh và Vĩnh Ninh.

- Thành phố Đồng Hới: 194 ha, thuộc 4 xã, phường: Đồng Sơn, Bắc Lý, Lộc Ninh và Nghĩa Ninh.

- Huyện Bố Trạch: 10.845 ha, thuộc 19 xã, thị trấn: Liên Trạch, Cự Nẫm, Sơn Trạch, Xuân Trạch, Lâm Trạch, Hưng Trạch, Phú Trạch, Vạn Trạch, Trung Trạch, Đại Trạch, Nam Trạch, Lý Trạch, Hòa Trạch, Tây Trạch, Phú Định, Sơn Lộc, Hạ Trạch,  Nhân Trạch và thị trấn Nông Trường Việt Trung.

- Huyện Quảng Trạch: 516 ha, thuộc 6 xã: Quảng Lưu, Quảng Châu, Quảng Thạch, Quảng Tiến, Quảng Liên và Quảng Phương.

- Huyện Tuyên Hóa: 800 ha, thuộc 8 xã, thị trấn: Cao Quảng, Ngư Hóa, Thanh Hóa, Kim Hóa, Hương Hóa, Lê Hóa, Sơn Hóa và thị trấn Đồng Lê.

- Huyện Minh Hóa: 968 ha, thuộc 10 xã: Trung Hóa, Hóa Hợp, Hồng Hóa, Minh Hóa, Hóa Phúc, Tân Hóa, Thượng Hóa, Hóa Tiến, Xuân Hóa và Quy Hóa.

2. Quy hoạch trồng mới cao su năm 2011 - 2015:

Giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh trồng mới 4.000 ha, bình quân 800 ha/năm để đạt 18.086 ha cao su vào năm 2015 chi tiết theo Phụ biểu đính kèm Quyết định này.

Đối tượng đất đưa vào quy hoạch trồng cao su là loại đất phù hợp với cây cao su, bao gồm:

- Đất sản xuất nông nghiệp (126 ha đất màu một vụ năng suất thấp);

- Đất lâm nghiệp chưa có rừng;

- Đất có rừng tự nhiên nghèo kiệt;

- Đất có rừng trồng sản xuất kém hiệu quả.

3. Định hướng phát triển khai thác mủ cao su:

Đến năm 2015, đưa 10.000 ha cao su đã trồng từ năm 2008 về trước vào khai thác. Năng suất bình quân 1,1 tấn/ha, sản lượng 11.000 tấn mủ khô.

4. Định hướng phát triển công nghiệp chế biến:

Đầu tư nâng công suất các cơ sở chế biến hiện có kết hợp với đầu tư các cơ sở mới, phát triển các cơ sở sản xuất nhỏ với công suất 100 - 500 tấn/năm (mỗi cơ sở chế biến cho 50 - 300 ha) với các loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đầu tư nâng cấp 2 cơ sở chế biến cao su của các công ty TNHH Một thành viên Lệ Ninh và Việt Trung lên 4 - 5 ngàn tấn sản phẩm/năm. Đầu tư xây dựng mới một nhà máy chế biến mủ cao su công suất khoảng 500 - 1000 tấn mủ/năm.

5. Định hướng phát triển dịch vụ sản xuất:

Phát triển các loại hình dịch vụ bao gồm: Các dịch vụ cung ứng giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; cung ứng các loại máy móc, vật tư, phân bón; các dịch vụ về thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cung cấp thông tin, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su.

6. Quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, vườn ươm:

- Đầu tư làm mới khoảng 300 km đường liên vùng và đường nối từ đường quốc lộ, tỉnh lộ vào các vùng trồng cao su, trong đó ưu tiên các tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh vào các vùng trồng cao su tập trung. Đầu tư đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sản xuất, chế biến cao su.

- Nâng cấp các vườn ươm đã có của các công ty cao su. Xây dựng mới một số vườn ươm ở những vùng quy hoạch trồng cao su có diện tích lớn của Binh đoàn 15, các công ty TNHH Một thành viên LCN Long Đại và Bắc Quảng Bình.

7. Định hướng tổ chức quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm:

- Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo quy hoạch được duyệt. Khuyến khích thành lập các công ty cổ phần, HTX, tổ hợp tác...về phát triển trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cao su.

- Các hộ gia đình có đất đã được Nhà nước giao lâu dài nếu có đủ năng lực tài chính thì tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết với các doanh nghiệp bằng hình thức góp vốn từ quyền sử dụng đất và lao động để trồng cao su. Đối với các hộ không có khả năng sản xuất thì thực hiện các hình thức thích hợp theo quy định của pháp luật, như: Góp vốn, liên doanh, liên kết, nhượng lại đất cho các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển trồng cao su theo quy hoạch.

- Các doanh nghiệp phải tổ chức tốt việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cao su với tổ chức, người sản xuất, đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm với giá cả hai bên cùng có lợi.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su. Xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thúc đẩy quan hệ hợp tác trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cao su.

III. TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN CAO SU ĐẾN NĂM 2020

- Đến năm 2020, diện tích cao su toàn tỉnh đạt 23.000 ha.

- Đầu tư phát triển các cơ sở chế biến mủ, gỗ cao su gắn với vùng nguyên liệu theo hướng đa dạng sở hữu, đa dạng sản phẩm. Đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Hòn La 1 nhà máy chế biến sản phẩm cao su công nghiệp. Xây dựng mới 03 nhà máy chế biến cao su với công suất mỗi nhà máy khoảng 500 - 1000 tấn mủ/năm. Nâng công suất của các xưởng chế biến mủ cao su nhỏ và vừa hiện có lên 1.500 - 2.000 tấn sản phẩm/năm.

- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như xây dựng đường giao thông, điện sản xuất và sinh hoạt...Thực hiện quy hoạch các khu dân cư phục vụ sản xuất ở các vùng cao su tập trung. Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất.

- Phát triển đa dạng về các loại hình quản lý, tổ chức sản xuất, trong đó lấy mô hình cao su đại điền của các công ty, doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo quy hoạch được duyệt.

IV. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư để trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su cho cả giai đoạn 2011 - 2020 là 1.300 tỷ đồng. Trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Nhu cầu vốn 505 tỷ đồng. Trong đó vốn khai hoang, trồng và chăm sóc cao su là 355 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng, vườn ươm 50 tỷ đồng và vốn nâng cấp, xây dựng xưởng chế biến khoảng 100 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Nhu cầu vốn 795 tỷ đồng. Trong đó vốn khai hoang, trồng và chăm sóc cao su là 595 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng, vườn ươm 30 tỷ đồng và vốn nâng cấp, xây dựng xưởng chế biến khoảng 170 tỷ đồng.

Về nguồn vốn: Nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Các tổ chức, doanh nghiệp tự đảm nhận phần vốn để đầu tư phát triển cao su trên diện tích quản lý, diện tích thuê và liên doanh, liên kết. Các đơn vị kinh tế khác có đủ điều kiện thì huy động vốn tự có hoặc vốn vay của các tổ chức tín dụng. 

V. CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch

1.1. Giải pháp về chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su

Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các đơn vị, tổ chức có nhu cầu trồng cao su thuê tư vấn khảo sát về loại đất, loại rừng để lập dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ tổ chức thực hiện; thuê tư vấn khảo sát lập hồ sơ xin chuyển rừng sang trồng cao su (nếu đối tượng trồng cao su là đất có rừng).

Việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su và khai thác tận dụng lâm sản trên đất chuyển đổi thực hiện theo quy định tại Thông tư 58/2009/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

1.2. Giải pháp về quản lý, sử dụng quỹ đất

- Đối với đất do các doanh nghiệp quản lý: Chính quyền địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động đưa quỹ đất vào sản xuất. Các doanh nghiệp xác định rõ ranh giới sử dụng đất trên bản đồ và ngoài thực địa để thuận lợi trong công tác quản lý, tránh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm.

- Đối với diện tích chưa giao (do Ủy ban nhân dân xã quản lý): Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, năng lực phối hợp với chính quyền địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho khảo sát, chuyển đổi sang trồng cao su và lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện theo quy định hiện hành.

- Diện tích đất thuộc hộ gia đình quản lý: Các hộ gia đình đã có giấy chứng nhận QSDĐ lâu dài tự tổ chức sản xuất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất và lao động với các công ty cao su và trực tiếp sản xuất trên diện tích được giao, cơ chế đầu tư và hưởng lợi theo thỏa thuận hoặc lựa chọn hình thức thích hợp theo quy định của pháp luật.

Đối với diện tích có rừng đã được quy hoạch trồng cao su nhưng chưa đưa vào trồng trong kỳ kế hoạch thì được tổ chức quản lý và sử dụng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đối với những diện tích cục bộ trong vùng quy hoạch qua điều tra, khảo sát xác định không phù hợp để trồng cao su thì lập hồ sơ quản lý, sử dụng theo quy định của Quy chế quản lý rừng.

1.3. Giải pháp về tổ chức sản xuất

Khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cao su theo quy hoạch được duyệt, trong đó lấy các công ty đã đầu tư sản xuất cao su lâu năm, các doanh nghiệp làm đầu mối trung tâm tạo điều kiện để các hộ gia đình có năng lực đầu tư trồng cao su hoặc liên kết, liên doanh trong tổ chức sản xuất, khai thác và tiêu thụ sản phẩm.

1.4. Giải pháp về khoa học kỹ thuật, khuyến nông

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và có kế hoạch khai hoang với tiến độ phù hợp để bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi.

- Về nguồn giống: Chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của từng vùng. Xây dựng quy chế quản lý chất lượng giống cao su trên địa bàn tỉnh. Xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cao su trên địa bàn tỉnh để áp dụng nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

- Chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất. Chú trọng việc xây dựng, tổng kết các mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng.

- Thực hiện nghiêm túc việc lập và trình duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện dự án đầu tư trồng mới và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su.

1.5. Giải pháp về lao động

Có cơ chế để các doanh nghiệp thu hút, tuyển dụng lao động trong vùng quy hoạch, đào tạo về kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho người lao động. Thực hiện việc giao khoán vườn cây cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất.

1.6. Giải pháp về vốn đầu tư

- Nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà đầu tư. Tạo môi trường thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục trong đầu tư. Thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách khuyến khích và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư và tín dụng.

- Chú trọng việc huy động vốn đầu tư vào sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, tranh thủ huy động nguồn vốn tín dụng Nhà nước. Chú trọng phổ biến thông tin về đầu tư các dự án cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao để thu hút nguồn vốn đầu tư.

2. Cơ chế chính sách thực hiện

- Xây dựng các chương trình, chính sách về khai thác, huy động các nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch phát triển cao su theo mục tiêu đề ra; bao gồm tất cả các nguồn vốn (ngân sách, tự có và cân đối từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại) quan tâm bố trí từ nguồn vốn ngân sách để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào.

- Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển cao su; kêu gọi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp lớn thể hiện vai trò nòng cốt trong việc trợ giúp hộ nông dân về vốn, giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

- Có chính sách ưu tiên cho việc nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất như: lai tạo, nhân giống cao su có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh; nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển cao su có hiệu quả.

VI. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Các dự án trồng cao su trên đất rừng chuyển đổi của Tổng Công ty 15 thuộc Binh đoàn 15.

2. Các dự án trồng cao su trên đất rừng chuyển đổi của Công ty TNHH Một thành viên LCN Long Đại.

3. Các dự án trồng cao su trên đất rừng chuyển đổi của Công ty TNHH Một thành viên LCN Bắc Quảng Bình.

4. Dự án xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cao su công nghiệp tại Khu công nghiệp Hòn La.

5. Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở chế biến cao su của Công ty TNHH Một thành viên Lệ Ninh.

6. Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở chế biến cao su của Công ty TNHH Một thành viên cao su Việt Trung.

7. Các dự án xây dựng cơ sở chế biến mủ cao su tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, Tuyên Hóa và Minh Hóa.

:
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.