, 05/06/2017, 09:34 GMT+7
3293
:

Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Quảng Bình đến năm 2020

04
04/06/2017
Ngày 08/10/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2354/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Quảng Bình đến năm 2020. Theo đó, Quyết định có những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn lợi biển để phát triển ngành khai thác hải sản, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội vùng ven biển, giữ vững quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo;

Điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp khai thác hải sản, duy trì sản xuất bền vững, từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả, bảo vệ tốt nguồn lợi hải sản và môi trường sinh thái; phát triển khai thác theo hướng hiện đại hóa, giảm dần số tàu nhỏ ven bờ, những nghề khai thác huỷ diệt, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản; đẩy mạnh phân cấp và nâng cao năng lực quản lý nghề cá ven bờ.

2. Mục tiêu cụ thể

Phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 với tổng số tàu cá là 4.700 chiếc, trong đó tàu cá khai thác xa bờ là 1.246 chiếc.

Tổng công suất đạt 250.000 CV, trong đó công suất của đội tàu đánh bắt xa bờ đạt 160.000 CV.

Sản lượng khai thác hải sản đạt 40.000 tấn. Giá trị sản xuất đạt khoảng 350 tỷ đồng (Giá cố định 1994).

Giải quyết việc làm cho khoảng 21.300 lao động đánh cá.

II. QUY HOẠCH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI HẢI SẢN ĐẾN NĂM 2020

1. Khai thác hải sản

1.1.  Sản lượng khai thác

Đến năm 2015: tổng sản lượng khai thác hải sản 39.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác ven bờ đạt 9.000 tấn, sản lượng khai thác xa bờ đạt 30.000 tấn.

Đến năm 2020: Tổng sản lượng khai thác hải sản 40.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác ven bờ 8.000 tấn, sản lượng khai thác xa bờ 32.000 tấn.

1.2. Tàu thuyền khai thác:    

Đến năm 2020, tổng số tàu cá 4.700 chiếc, tổng công suất 250.000 CV; trong đó:

Tàu < 20 CV: Năm 2015 đạt 2.585 chiếc, chiếm 55,6%; năm 2020 đạt  2.247 chiếc, chiếm 47,8%.

Tàu 20 - 49 CV: Năm 2015 đạt 372 chiếc, chiếm 8,0%; năm 2020 đạt 287 chiếc, chiếm 6,1%.

Tàu 50 - 89 CV: Năm 2015 đạt 740 chiếc chiếm 15,90%; năm 2020 đạt 920 chiếc, chiếm 19,57%.

Tàu > 90 CV:  Năm 2015 đạt 953 chiếc chiếm 20,50%; năm 2020 đạt 1.246 chiếc, chiếm  26,51%.

1.3. Nghề khai thác

Thực hiện chuyển đổi nghề khai thác ven bờ, kém hiệu quả, gây xâm hại nguồn lợi hải sản là các nghề lưới kéo, lưới rê 3 lớp mắt lưới nhỏ, mành đèn, giã ruốc, nghề đáy sang một số nghề có hiệu quả, có tiềm năng, thân thiện môi trường như: nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới rê, nghề câu, nghề chụp mực và một số ngành nghề khác như dịch vụ, nuôi trồng, chế biến hải sản, chăn nuôi, trồng trọt...

Đầu tư trên mỗi đơn vị tàu cá kiêm 2 - 3 nghề để tổ chức sản xuất quanh năm.

Về cơ cấu:

Nghề lưới kéo:    Năm 2015 chiếm 1,39%; năm 2020 chiếm 1,17%;

Nghề lưới rê:      Năm 2015 chiếm 33,76%; năm 2020 chiếm 36,6%;

Nghề vây:           Năm 2015 chiếm 1,50%; năm 2020 chiếm 2,34%;

Nghề câu:           Năm 2015 chiếm 43,65%; năm 2020 chiếm 47,87%;

Nghề mành:        Năm 2015 chiếm 7,52%; năm 2020 chiếm 4,25%;

Nghề chụp:         Năm 2015 chiếm 1,93%; năm 2020 chiếm 2,55%;

Nghề lồng, bẫy:   Năm 2015 chiếm 6,66%; năm 2020 chiếm 4,04%;

Nghề khác:         Năm 2015 chiếm 3,54%; năm 2020 chiếm 1,17%.

2. Bảo vệ nguồn lợi hải sản

2.1. Phân vùng khai thác

- Thực hiện phân vùng và phân cấp quản lý hoạt động khai thác hải sản theo quy định tại Nghị định 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ.

+ Tàu cá ≥ 90 CV khai thác hải sản tại vùng khơi và vùng biển cả;

+ Tàu cá từ 20 CV đến < 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi;

+ Tàu cá < 20 CV hoặc không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ;

+ Tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ, nghề khai thác nhuyễn thể không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong vùng biển ven bờ và vùng lộng.

2.2. Mùa vụ khai thác

- Vụ Nam: Từ tháng 4 đến tháng 10;

- Vụ Bắc: Từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.

- Từ ngày 1/4 đến ngày 31/7 hàng năm: Cấm khai thác tôm Hùm mang trứng, tôm Hùm non.

2.3. Khu bảo vệ nguồn lợi hải sản

- Thiết lập và tổ chức quản lý Khu Bảo vệ nguồn lợi hải sản Hòn La - Vũng Chùa;

- Khôi phục môi trường và tổ chức quản lý, bảo vệ hệ sinh thái biển, rạn san hô, bãi đẻ vùng biển ven bờ: Nam Nhật Lệ - Mũi Lay, bãi Xuân Hòa, Bắc cửa sông Nhật Lệ.

- Thả bổ sung giống một số loài hải sản đang có dấu hiệu suy giảm ở các vùng ven biển như: các loại tôm biển, giáp xác, cá, thực vật biển...

3. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá

- Đầu tư nâng cấp Cảng cá Sông Gianh với công suất xếp dỡ hàng hóa 22.000 tấn/năm; Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Gianh với công suất xếp dỡ hàng hải sản 12.000 tấn/năm.

- Đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá Sông Gianh 2 (Quảng Phúc - Quảng Trạch): 600 tàu, công suất tàu tối đa 300 CV;

- Đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hầu cần nghề cá Nhật Lệ 1 (Cửa Phú - Bảo Ninh): 450 tàu, công suất tàu tối đa 300 CV;

- Đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Nhật Lệ 2 (Vĩnh Ninh - Quảng Ninh): 200 - 300 tàu, công suất tối đa 90 CV;

- Đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Roòn (Quảng Phú - Quảng Trạch): 500 tàu, công suất đến 300CV.

- Đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá sông Dinh (Nhân Trạch - Bố Trạch): 200 tàu, công suất đến 90CV;

- Đầu tư xây dựng chợ cá, bến cá tại các xã ven biển Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Lộc, Quảng Phong, Quảng Văn, Đức Trạch, Nhân Trạch, Hải Ninh, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam với tổng sản lượng qua bến 10.000 - 12.000 tấn/năm;

- Đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu quy mô lớn tại Hòn La, Quảng Trạch;

- Đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu cá tại Cảnh Dương, Quảng Lộc, Quảng Phúc (Quảng Trạch), Thanh Trạch, Đức Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới).

III. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

Dự kiến vốn đầu tư cho phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 khoảng 925 tỷ đồng. Trong đó:

- Ngân sách Nhà nước 625 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng (bao gồm các khu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi hải sản), dự án chuyển đổi nghề khai thác ven bờ, dự án truyền thông về bảo vệ nguồn lợi hải sản và dự án tăng cường năng lực quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Vốn của doanh nghiệp và của dân: 89 tỷ đồng;

- Vốn tín dụng và vay thương mại: 100 tỷ đồng;

- Vốn hỗ trợ của các tổ chức: 111 tỷ đồng.

IV. GIẢI  PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH  SÁCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nghề cá, đóng mới tàu kiểm ngư, chuyển đổi nghề, thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ;

- Huy động nguồn vốn từ trong dân, doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại để đầu tư chuyển đổi nghề khai thác, phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ, du lịch...; xây dựng nhà máy đóng tàu, đổi mới công nghệ, nâng công suất các nhà máy chế biến hàng hải sản xuất khẩu;

- Tích cực tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các tổ chức quốc tế để đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai nghề cá;

- Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nghề cá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vốn và công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực khai thác, dịch vụ khai thác và bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản; phát triển và hiện đại hóa đội tàu cá tàu cá đánh bắt xa bờ, đánh bắt ở các vùng biển xa; phát triển tàu dịch vụ thu mua hải sản và cung cấp nhiên liệu trên biển; đào tạo lao động kỹ thuật, quản lý nghề cá; phát triển kinh tế hợp tác trong khai thác và dịch vụ hải sản; hỗ trợ rủi ro trong sản xuất khai thác hải sản; xây dựng các khu bảo vệ nguồn lợi, khu sinh thái biển;

- Chính sách tín dụng vừa và nhỏ để hỗ trợ gia đình ngư dân có truyền thống làm nghề khai thác nhưng không có điều kiện để phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, di cư khỏi nơi cư trú để làm nghề khác; hỗ trợ lao động khai thác hải sản chuyển sang làm việc trong các ngành nghề kinh tế khác.

2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Tiếp tục đào tạo và đào tạo lại để bổ sung, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, đảm bảo có đủ năng lực quản lý ngành trong quá trình phát triển;

- Tăng cường các hình thức đào tạo ngắn hạn phù hợp với trình độ, tập quán của lao động nghề cá, phấn đấu mọi lao động nghề cá đều được huấn luyện, đào tạo về tay nghề, có khả năng đáp ứng yêu cầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và yêu cầu của thị trường xuất khẩu lao động;

- Phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến ngư tới các cộng đồng ngư dân để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản;

- Tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất đối với các hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác sản xuất trên biển, tổ chức quản lý cộng đồng về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản;

- Đào tạo nghề cho lao động khai thác phải chuyển sang làm nghề khác như nuôi trồng thuỷ sản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, du lịch...

3. Giải pháp về khoa học công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong khai thác hải sản, du nhập nghề mới để áp dụng cho địa phương nhằm tăng hiệu quả khai thác, giảm bớt cường lực khai thác; sản xuất các đối tượng hải sản đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá trị về kinh tế, khoa học, bảo tồn để phát triển nuôi trồng và thả bổ sung, phục hồi, phát triển nguồn lợi vùng biển ven bờ;

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý, giám sát hoạt động tàu cá, bảo quản sản phẩm khai thác sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin dự báo ngư trường, nguồn lợi hải sản, thông tin thương mại, phòng tránh thiên tai trên biển, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nghề cá, thực thi pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách thường xuyên, có hiệu quả;

- Tăng cường tiếp cận, hợp tác trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế để thiết lập, tổ chức quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi hải sản, sinh thái biển ven bờ;

- Nghiên cứu cơ chế quản lý, phát triển mô hình liên doanh, liên kết, hợp tác khai thác, dịch vụ, chế biến hải sản với các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế.

4. Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm

- Khai thác lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm các mặt hàng hải sản chế biến truyền thống và hàng hải sản tươi sống để tiêu thụ và mở rộng thị phần tại thị trường các thành phố lớn nội địa; phát triển lợi thế sản phẩm hải sản bình dân tại thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao; tăng cường xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường xuất khẩu các nước trong khu vực Đông Nam Á;

- Xây dựng, phát triển hình thức chợ đầu mối hàng hải sản tại các trung tâm nghề cá phát triển, như Đồng Hới, sông Gianh, Roòn để cung cấp cho thị trường khu vực Bắc Trung Bộ;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm, hàng hóa hải sản. Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa cho các sản phẩm hải sản của địa phương.

5. Giải pháp về môi trường và bảo vệ nguồn lợi hải sản

- Nghiên cứu biên soạn và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các hình thức tuyên truyền báo viết, phát thanh và truyền hình, tờ gấp, pa nô, áp phích, internet...vv phù hợp; huy động các tổ chức xã hội, nghề nghiệp tham gia các hoạt động và đưa nội dung về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản vào chương trình ngoại khóa trong trường học; tổ chức các cuộc vận động sáng tác, thi tìm hiểu về biển, về bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển;

- Chuyển đổi nghề nghiệp khai thác hải sản vùng biển ven bờ, cắt giảm, chuyển đổi hợp lý đội tàu công suất nhỏ dưới 20 CV, giảm cường lực khai thác, duy trì sự ổn định, bảo vệ và phát triển nguồn lợi;

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, chủ động ngăn ngừa ô nhiễm môi trường vùng bờ, bảo vệ môi trường sống, sinh sản của các loài hải sản vùng biển ven bờ;

- Điều tra, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, tổ chức quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi hải sản nhằm bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh học của các loài thuỷ sinh tự nhiên, các loài hải sản có giá trị kinh tế, quý hiếm;

- Thực hiện thả bổ sung giống hải sản về với tự nhiên nhằm tái tạo, duy trì và phát triển nguồn lợi hải sản;

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giám sát, kiểm soát, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.

6. Giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ

- Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi kích thích đầu tư phát triển sản xuất khai thác hải sản;

- Phát triển đội tàu công ích, dịch vụ khai thác hải sản trên biển;

- Tổ chức tốt công tác dịch vụ cung cấp đá lạnh, nhiên liệu, vật tư, ngư cụ, lưới sợi… phục vụ cho khai thác hải sản; bảo quản, sơ chế gắn với chế biến tại các cảng cá, bến cá, chợ cá;

- Quy định và tổ chức lại việc tham gia của các chủ nậu vựa đang hoạt động và có vai trò lớn trong dịch vụ, tiêu thụ các sản phẩm khai thác hải sản, tạo sự liên kết hài hòa trong thương mại nghề cá.

7. Giải pháp về tổ chức sản xuất kinh doanh

- Chuyển dịch nhanh cơ cấu nghề khai thác theo hướng giá trị, chất lượng cao, ổn định sản xuất khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ, bảo vệ nguồn lợi hải sản;

- Phát triển mạnh sản xuất khai thác hải sản theo nhiều hình thức sở hữu, chú trọng hình thức Kinh tế tập thể, kinh tế tư bản tư nhân ở lĩnh vực khai thác và dịch vụ khai thác hải sản;

- Kiện toàn hệ thống quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, chú trọng lĩnh vực quản lý tàu cá và dịch vụ, sắp xếp lại và nâng cao năng lực hoạt động các cơ sở dịch vụ khai thác hải sản, hình thành các trung tâm nghề cá, chợ đầu mối. Từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hải sản Quảng Bình;

- Áp dụng và nhân rộng mô hình tổ chức đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ; chuyển giao quyền sử dụng vùng biển ven bờ cho cộng đồng ngư dân quản lý và sử dụng nhằm hạn chế tình trạng xung đột, cạnh tranh không lành mạnh trong khai thác, chia sẻ và phân chia quyền khai thác nguồn lợi hải sản;

- Thực hiện đồng bộ việc đầu tư phát triển hạ tầng với chính sách tín dụng vừa và nhỏ cho vùng nghề cá ven biển để sắp xếp lại thị trường lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế trang trại, dịch vụ, du lịch..., thu hút một bộ phận ngư dân làm nghề khai thác hải sản ven bờ sang làm việc, góp phần ổn định thu nhập và việc làm cho lao động nông thôn nghề cá ven biển.

V. CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Dự án Chuyển đổi nghề nghiệp khai thác hải sản;

2. Dự án Xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá;

3. Dự án Xây dựng các bến cá, chợ cá;

4. Dự án Xây dựng Nhà máy đóng tàu Hòn La;

5. Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu đóng, sửa tàu cá;

6. Dự án Xây dựng và quản lý Khu bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ;

7. Dự án Truyền thông về bảo vệ nguồn lợi hải sản;

8. Dự án Tăng cường năng lực quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.

:
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.