Thứ năm, 07/09/2023, 08:47 GMT+7
2736 lượt xem
Chia sẻ:

Xúc tiến đầu tư: Từ hội nghị đến hiện thực

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2023 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 6/2023 với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”, có 29 nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 112.200 tỷ đồng. Đến thời điểm này, nhiều nội dung tại hội nghị đã và đang thành hiện thực, là tín hiệu vui và kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong hoạt động XTĐT của tỉnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quảng Bình đã tổ chức thành công 3 hội nghị XTĐT tại tỉnh, TP. Hồ Chí Minh và gần đây nhất là tại Thủ đô Hà Nội. Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với từng thời điểm, các hội nghị XTĐT đã thu hút nhiều nhà đầu tư (NĐT) và doanh nghiệp (DN) quan tâm, giới thiệu danh mục các dự án tiềm năng mà tỉnh tập trung kêu gọi.
 
Trong bối cảnh khó khăn chung của ba năm qua, mặc dù vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, nhưng nhiều nội dung ký kết giữa tỉnh và các DN, NĐT đã thành hiện thực, góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và lợi ích cho NĐT, DN.

Những ngày cuối tháng 8, trên công trường dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch (NĐQT) I, không khí thi công khẩn trương hơn bao giờ hết. Năm 2016, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh).
 
Sau hành trình dài với nhiều khó khăn, ngày 17/1/2021, là ngày tỉnh tổ chức hội nghị XTĐT năm 2021 với chủ đề “Quảng Bình-Tiềm năng, an toàn và khác biệt”, dự án đã được khởi công.

Ngày 25/6/2023, tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và XTĐT năm 2023, có 29 NĐT đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư các dự án với tổng vốn dự kiến hơn 112.000 tỷ đồng. Chỉ sau hai tháng, 2 dự án lớn đã khởi động, 2 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 55.000 tỷ đồng.

Với tổng mức đầu tư 41.130 tỷ đồng, đây là dự án trọng điểm với nhiều kỳ vọng. Qua hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số vướng mắc, nhưng với sự quyết tâm cao của DN, sự đồng hành tích cực, tạo mọi điều kiện thuận lợi của tỉnh và các sở, ngành, địa phương, đến nay, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ. Các hạng mục quan trọng như cảng nhập than và đê chắn sóng đã hoàn thành khoảng 70%, tổng thể dự án đạt khoảng 40%, đáp ứng tiến độ cấp than chạy thử Nhà máy NĐQT I vào tháng 9/2025, hoàn thành nhà máy vào năm 2026.  

Công trình được sử dụng hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại, thi công khẩn trương với lượng công nhân lớn. Giữa không gian mênh mông của biển, đê chắn sóng nối từ Mũi Độc ra biển theo hướng Đông đã hình thành, vững chãi và nổi bật, là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của DN và vai trò đồng hành của tỉnh đối với dự án trọng điểm này.
 
Tiếp nối thành công nêu trên, trong danh mục 29 dự án được ký kết biên bản ghi nhớ tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và XTĐT năm 2023 có dự án Nhà máy NĐQT II với tổng số vốn dự kiến 50.000 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư. Không chỉ là dự án năng lượng lớn, theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án được chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). LNG hiện đang được mua bán phổ biến trên thị trường quốc tế và là nguồn năng lượng quan trọng cho nhiều quốc gia.

Hiện, Ban Quản lý Dự án điện 2 đang đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, dự kiến hoàn thành lập điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 12/2023; dự kiến khởi công vào quý IV/2026, hoàn thành nhà máy vào năm 2030.
 
Tại buổi kiểm tra tiến độ các dự án của Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng khẳng định, cùng với các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đã đi vào vận hành thời gian qua và một số dự án đang được đề xuất, 2 dự án Nhà máy NĐQT I và NĐQT II sẽ góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, đưa Quảng Bình trở thành “viên pin” của miền Trung và cả nước, là động lực mạnh mẽ trên hành trình phát triển mới của tỉnh.
 
Trước đó, ngày 7/7/2023, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu đô thị tại TP. Đồng Hới và huyện Quảng Ninh được ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và XTĐT năm 2023 với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, hiện đang chuẩn bị các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Điều này khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc tiếp cận các NĐT, DN một cách thuận lợi, gần gũi nhất, kết nối nhanh chóng và hiệu quả nhất.
 
Một trong những điểm nhấn nổi bật về hiệu quả hoạt động XTĐT thời gian qua là sự khởi động nhanh chóng của dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới với tổng vốn đầu tư gần 1.844 tỷ đồng. Cuối tháng 7/2023, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để nghe báo cáo về dự án.
 
Tại buổi làm việc, với những nội dung đề nghị của ACV, Quảng Bình tin tưởng dự án sẽ đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng và thẩm mỹ, phục vụ hoạt động giao thương ngày càng hiệu quả. Dự kiến Nhà ga hành khách T2 sẽ khởi công vào quý III/2024, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý IV/2025. Về hạng mục mở rộng sân đỗ máy bay sẽ được thực hiện trong vòng 17 tháng. ACV cam kết tiến độ bảo đảm đồng bộ với Nhà ga hành khách T2.

Tổng Giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt nhấn mạnh, với sự quan tâm ủng hộ của tỉnh Quảng Bình, công trình được thiết kế chú trọng công năng sử dụng, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ mới nhất. ACV sẽ triển khai dự án với tinh thần khẩn trương, kịp thời, quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2025.
 
Cùng với các dự án đã khởi động, hiện còn các dự án tiềm năng như tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới-di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với tổng chiều dài khoảng 24km, tổng số vốn dự kiến 2.900 tỷ đồng; một số dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo…, các sở, ngành, địa phương đang tích cực phối hợp với NĐT tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất dự án để sớm cụ thể hóa các nội dung đã cam kết tại hội nghị.
 
Những kết quả tích cực nêu trên hứa hẹn một nhiệm kỳ đột phá trong hoạt động XTĐT của tỉnh, là tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu đến năm 2030, Quảng Bình sẽ trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung.
 
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: “Cùng với tiếp tục thực hiện 10 nội dung cam kết tại hội nghị XTĐT năm 2021, trong đó trọng tâm, xuyên suốt là “lấy người dân, DN làm đối tượng phục vụ”, “đồng hành cùng DN”, “phục vụ DN” là phương châm hoạt động của các cấp, ngành, Quảng Bình đã và đang nỗ lực thay đổi toàn diện, căn bản môi trường đầu tư, bảo đảm để NĐT, DN “đến là làm”, đầu tư đúng lộ trình, hiệu quả, tạo việc làm và sự phát triển ổn định”.

Website tỉnh

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc
Hotline
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.