Dù còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn nhưng thời gian qua, Quảng Bình đã tranh thủ mọi nguồn vốn, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và thu hút hàng trăm nhà đầu tư với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Khu kinh tế Hòn La với diện tích khoảng 10.000 ha, được thành lập từ năm 2008. Đây là khu kinh tế tổng hợp, gồm hai khu chức năng hành chính là khu thuế quan và khu phi thuế quan. Những năm qua, dù nguồn vốn đầu tư phát triển cho cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn nhưng bằng nỗ lực, cùng cách làm hiệu quả mà hệ thống hạ tầng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, thu hút ngày càng nhiều đơn vị đầu tư vào khu kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Tương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây lắp Đỉnh Phong, Khu công nghiệp cảng biển Hòn La (Quảng Bình) cho biết, trước khi đầu tư vào Quảng Bình đơn vị đã khảo sát rất nhiều địa phương, tuy nhiên ở Quảng Bình bên cạnh các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế thì các thủ tục hành chính được UBND tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế tạo điều kiện thực hiện nhanh, gọn. Cơ sở hạ tầng như đường sá, đường điện, nước sạch cũng đã được đầu tư đáp ứng yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp.
Hạn chế về vốn khiến cho cơ sở hạ tầng tại một số khu công nghiệp, khu kinh tế ở Quảng Bình chưa đồng bộ. Nhận thức được điều đó, Quảng Bình đã chủ động lựa chọn những công trình trọng điểm mang tính cấp bách để đầu tư. Năm 2020, tỉnh Quảng Bình đã bố trí hơn 40 tỷ đồng đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật; trong đó, ưu tiên hoàn thiện hệ thống đường sá.
Ông Nguyễn An Bích, Giám đốc Nhà máy sản xuất ván ép Thắng Lợi, Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới cho biết, khi đơn vị mới vào đầu tư thì cơ sở hạ tầng rất khiêm tốn, chỉ mới xây dựng được hệ thống điện và nước sạch. Quá trình nhà đầu tư vào xây dựng thì UBND tỉnh Quảng Bình, Ban quản lý Khu công nghiệp đã chú trọng triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống thoát nước, đến nay về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất của đơn vị.
Ông Đậu Trọng Cảnh, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho biết, bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có, việc xây dựng đồng bộ hạ tầng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng được tích cực triển khai nhằm tạo mặt bằng thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo kế hoạch đầu tư công và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt, Quảng Bình cần đến 528,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các dự án ở các khu kinh tế, khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện vốn từ ngân sách còn hạn chế, tỉnh đã bố trí các nguồn vốn; trong đó, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống các đường giao thông trong các khu kinh tế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Trên cơ sở tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, hiện tỉnh Quảng Bình cũng đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh lĩnh vực hạ tầng, nghiên cứu áp dụng các hình thức đầu tư đối tác công-tư (PPP).
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp đã có giải pháp phù hợp nên tình hình sản xuất kinh doanh đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp ước khoảng 1.270 tỷ đồng, đạt 100% so với cùng kỳ năm 2019. Giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động với mức thu nhập khoảng 6,2 triệu đồng/người/tháng.
Trong quý 3 năm 2020, đã có 7 dự án tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Quảng Bình được cấp chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký là 400 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 150 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư gần 58 nghìn tỷ đồng; trong đó, 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đăng ký là 18,2 triệu USD.
Những kết quả trên cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp đã góp phần tạo động lực, cũng như duy trì sự tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Quảng Bình.
Website tỉnh