Quảng Bình hiện có 2 KKT và 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Hệ thống các KKT, KCN có vị trí địa lý thuận lợi, thích ứng với môi trường hợp tác, cạnh tranh bởi vừa phù hợp và gắn kết chặt chẽ với hành lang kinh tế Đông Tây, vừa bảo đảm liên kết hợp tác với các khu kinh tế khác trong khu vực, như: Lao Bảo, Cầu Treo, Vũng Áng...
Đặc biệt, từ khi cầu Hữu Nghị III khánh thành nối liền Thái Lan-Lào với tuyến đường 12A, nhu cầu vận tải từ Thái Lan qua Lào đến cảng Hòn La đi ra biển ngày càng lớn, góp phần tạo thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh hạ tầng hành lang kinh tế Đông - Tây từ Cha Lo về đến Hòn La.
Trong số các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, KKT Hòn La và KKT cửa khẩu Cha Lo được đánh giá là tiềm năng bậc nhất bởi vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các nhà máy, cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ có sức lan tỏa ra cả khu vực.
Ông Phạm Văn Năm, Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh cho biết, KKT cửa khẩu Cha Lo nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Myanma, Thái Lan, Lào về cảng Hòn La để ra nước khác bằng đường thủy; đồng thời, có thể kết nối với KKT Hòn La và KKT Vũng Áng-nơi có các cảng nước sâu. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi để KKT cửa khẩu Cha Lo phát triển. Năm 2015, KKT cửa khẩu Cha Lo chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành 1 trong 9 KKT cửa khẩu trọng điểm của cả nước.
Đây là minh chứng cho vị trí “chiến lược” của KKT cửa khẩu Cha Lo, đồng thời cũng là cơ hội để KKT này tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; xứng đáng là trung tâm kinh tế và đô thị phía tây của tỉnh, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa Quảng Bình - Lào - Thái Lan với kim ngạch xuất nhập khẩu luôn đứng đầu so với các cửa khẩu giáp nước bạn Lào.
Cùng với KKT cửa khẩu Cha Lo, KKT Hòn La cũng sở hữu những lợi thế nhất định do nằm trong khu vực quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết nối với KKT Vũng Áng tạo động lực phát triển cho toàn khu vực.
Bên cạnh đó, KKT Hòn La còn bao gồm những quần thể du lịch nổi bật, như: Khu lăng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp, đền thánh mẫu Liễu Hạnh... Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các khu du lịch tại Hòn La.
Xác định rõ tiềm năng và lợi thế, thời gian qua, KKT cửa khẩu Cha Lo và KKT Hòn La đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và ưu tiên đầu tư một số hạng mục công trình thiết yếu cũng như tranh thủ sự giúp đỡ về vốn của Chính phủ để tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Hiện KKT cửa khẩu Cha Lo đã được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng tại Khu trung tâm cửa khẩu, khu vực Bãi Dinh với tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 450 tỷ đồng bao gồm các hạng mục chủ yếu, như: san nền, đường giao thông nội vùng, kè, công trình cấp thoát nước, bãi đỗ xe, nhà làm việc liên ngành tại cửa khẩu.
Riêng KKT Hòn La đã được đầu tư trên 1.350 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các công trình thiết yếu, như: KCN cảng biển Hòn La; KCN Hòn La II; hệ thống các đường trục kết nối trong KKT với các tuyến giao thông huyết mạch bên ngoài; nhà máy xử lý nước thải; đường nối KKT Hòn La với KCN xi măng tập trung Tiến Hóa - Châu Hóa -Văn Hóa...
Đặc biệt, tỉnh ta cũng đang từng bước xúc tiến đầu tư xây dựng cảng Hòn La giai đoạn 2 với quy mô đầu tư xây dựng cho tàu 50.000 - 70.000 tấn neo đậu và bốc xếp hàng hóa. Hứa hẹn trong tương lai khi hoàn thành, dự án sẽ là cú “huých” mạnh mẽ cho nền kinh tế của tỉn.
Chính nhờ được đầu tư đồng bộ, khai thác tốt tiềm năng và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đạt 1.797 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa bốc xếp qua cảng Hòn La 851.309 tấn, tăng 32%; giá trị xuất khẩu 1.093,3 tỷ đồng (khoảng 49,7 triệu USD) đạt 246% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước 145 tỷ đồng, tăng 17%.
Để các KKT, KCN có thể “gần” hơn với các nhà đầu tư, thời gian qua, Ban quản lý KKT đã tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ các bộ, ngành Trung ương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư.
Bên cạnh đó, Ban quản lý KKT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư, nhu cầu đầu tư vào các KKT, KCN trên website và tập san của đơn vị; tiếp tục thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, Ban Quản lý KKT đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về Chứng nhận đăng ký đầu tư tối thiểu 20%. Riêng đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện, Ban Quản lý KKT đã đề nghị ủy quyền, bảo đảm thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Qua đó, đơn vị góp phần tích cực trong việc gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện điểm số PCI…
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, tại các KKT, KCN đã cấp chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư, cho 14 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký là 2.880 tỷ đồng. Tính đến nay, các KKT, KCN của tỉnh đã thu hút được 105 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư 44.493 tỷ đồng, trong đó 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đăng ký là 30 triệu USD.
Website UBND tỉnh