, 05/06/2017, 04:16 GMT+7
2531
:

Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đệm theo hướng bảo tồn VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

11
04/06/2017
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đưa các xã vùng đệm ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020 và cơ bản trở thành vùng phát triển ổn định vào năm 2030; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân cơ bản được cải thiện, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nâng cao nhận thức của cộng đồng vùng đệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới; bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng đệm và các giá trị bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng lỏi.

2. Mục tiêu vànhiệm vụ cụ thể

2.1 Về phát triển kinh tế

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của vùng đệm thời kỳ 2014-2020 tăng 8,1% và thời kỳ 2021- 2030 tăng 10%. Trong đó: giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thời kỳ 2014-2020 tăng bình quân 4,5% và thời kỳ 2021- 2030 tăng bình quân 5%. Giá trị sản xuất CN- XD thời kỳ 2014-2020 tăng 12,05%, thời kỳ 2021- 2030 tăng bình quân 12,4%. Giá trị dịch vụ thời kỳ 2014-2020 tăng 13,5%, dự kiến thời kỳ 2021-2030 tăng 14,2%.

- Chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất theo hướng tăng các ngành phi nông nghiệp. Đến năm 2020, tỷ trọng nông lâm thuỷ sản giảm xuống còn 46%; dịch vụ tăng lên 37% và công nghiệp - xây dựng tăng lên 17%, cơ cấu tương ứng của các ngành đến năm 2030 là 32,5%, 45% và 22,5%.

- Thu nhập BQ/người theo giá hiện hành đến năm 2020 tăng lên 25 triệu đồngvà đến năm 2030 tăng lên 110 triệu đồng.

2.2. Về phát triển xã hội - quốc phòng an ninh

- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đạt 1,1% vào năm 2020 và còn 1,05% vào năm 2030.

- Giải quyết việc làm bình quân thời kỳ 2014-2020 là 4.000 người, thời kỳ 2021-2030 là 4.200 người; đến năm 2020 giải quyết 4.200 người, đến năm 2030giải quyết 4.400 người.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân thời kỳ 2014-2020 là 2,1% và thời kỳ 2021- 2030 là 2%. Đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 23-25% và đến năm 2030 còn 13-15%.

- Phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã hoàn thành phổ cập trung học đúng độ tuổi; có 90% trường trung học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 trở lên, trong đó có 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2; có 65-70% trường THCS đạt chuẩn quốc gia và có 100% xã đạt chuẩn phổ cập bậc trung học cơ sở. Đến năm 2030 có 100% trường TH đạt chuẩn cấp độ 1 và 80% đạt chuẩn cấp độ 2.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng đệm theo các mục tiêu, định hướng quy hoạch đã đề ra. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó đào tạo nghề đạt khoảng 35%; tương ứng đến năm 2030 đạt 60% và 50%.

- Đến năm 2020 có 55% số hộ, 40% làng, thôn, bản, đến năm 2030 tương ứng có 70%, 45% đạt chuẩn văn hóa.

- Đến năm 2020 có 85% và đến năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến năm 2020 còn 15-16% và đến năm 2030 còn 10-12%.

- Đến năm 2020: Tỷ lệ dân cư ở vùng đệm sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%; Đến năm 2030: Tỷ lệ dân cư ở vùng đệm sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%.

- Đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững, văn hóa xã hội phát triển; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

2.3. Về môi trường

- Đến năm 2020: Tỷ lệ thu gom và xử rác thải ở khu vực đô thị Phong Nha, Cha Lo đạt 70%; tỷ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh đạt trên 80%. Đến năm 2030: Tỷ lệ tỷ lệ thu gom và xử rác thải ở khu vực đô thị Phong Nha, Cha Lo đạt 100%; các khu đô thị mới đạt 80%; tỷ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh đạt trên 90%. Các nhà máy, xí nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý môi trường.

- Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 là 92,4% và đến năm 2030 là 93%.

 

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn

- Phấn đấu đưa giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn các xã vùng đệm tăng bình quân hàng năm đến năm 2020 đạt từ 3,6%/năm, đến năm 2030 tăng bình quân 3,8%/năm; đưa tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2020 chiếm 23,5%, và năm 2030 chiếm 25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

- Sản lượng lương thực đến năm 2020 đạt 15.300 tấn, dự kiến đến năm 2030 đạt 17.080 tấn.

- Phấn đấu đến năm 2020 đàn trâu tăng 1,4%, đàn bò tăng 3%, đàn lợn tăng 1%. Dự kiến đến năm 2030 đàn trâu đạt 1,6%, đàn bò tăng 2,2% và đàn lợn tăng 1,2%. Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.140 tấn vào năm 2020 và 1.390 tấn vào năm 2030.

- Phấn đấu trồng rừng mới thời kỳ 2014 - 2020 đạt 5.000 ha, thời kỳ 2021- 2030 đạt 5.000 ha; nâng độ che phủ của rừng lên 92,4% vào năm 2020 và 93% đến năm 2030. Tỷ trọng ngành lâm nghiệp đạt 22,9% vào năm 2020, dự kiến đến năm 2030 chiếm 34,6% trong tổng giá trị ngành nông lâm ngư nghiệp.

- Giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2020 đạt 68 tỷ đồng, tăng bình quân thời kỳ 2014 - 2020 là 2,3%, dự kiến đến năm 2030 đạt 87 tỷ đồng, tăng bình quân 2,5% thời kỳ 2021-2030. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 35 ha đến năm 2020 và dự kiến đến năm 2030 đạt 45ha. Sản lượng nuôi trồng đạt 225 tấn năm 2020 và dự kiến đến năm 2030 đạt 267 tấn.

- Ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ, nâng cao dân trí và từng bước cải thiện đời sống người dân gắn với sinh kế bền vững.

- Về nông nghiệp: Ổn định phát triển ngành nông nghiệp gắn với phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với hệ sinh thái theo hướng phát triển mạnh cây cao su, hồ tiêu, lạc, cây ăn quả; chăn nuôi gia súc gia cầm. Hình thành các vùng tập trung sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả phục vụ công nghiệp chế biến. Phát triển tổng hợp kinh tế vùng gò đồi, kết hợp giữa nông lâm nghiệp, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, đa dạng hoá các sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tăngsản lượng và thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, ưu tiên diện tích đất đồi có đủ điều kiện để trồng cây cao su. Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, theo hướng trang trại kinh tế tổng hợp, liên kết để mở rộng thị trường để tăng thu nhập cho nông dân.

+ Đối với trồng trọt:

- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách hợp lý, hình thành các vùng sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày để tạo sản phẩm hàng hóa, chủ đạo là: ngô, lạc, đậu. Cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế, nhân rộng một số cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao tại vùng đệm hoặc mới du nhập vào vùng đệm. Mở rộng diện tích trồng lúa ở những nơi có điều kiện nước tưới, tập trung thâm canh trên diện tích chủ động tưới tiêu là 800 ha, đẩy mạnh gieo trồng các giống lúa, ngô mới cho năng suất và chất lượng cao, đổi mới phương thức canh tác nhằm nâng cao năng suất và sản lượng lương thực.

- Tiếp tục duy trì và phát triển vùng trồng cây thực phẩm như cây rau, đậu xanh… đưa giống rau mới vào phát triển trên địa bàn vùng đệm (như cây gấc…) theo lộ trình thích hợp ở các xã có điều kiện. Cần tăng cường áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo hướng VietGap, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phát triển mạnh cây cao su theo quy hoạch, tập trung chuyển đổi diện tích đất rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng trồng và một số diện tích cây trồng khác kém hiệu quả đủ điều kiện sang trồng cao su. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng cao su, chú trọng sử dụng các giống có năng suất cao, khả năng chống đổ, kháng sâu bệnh như RRIM600, RRIM712, RRIC100, RRIC121,...ngoài ra cần sử dụng các loại giống chịu rét như IAN873, VN772, VN774... trong cơ cấu giống cao su của vùng.

+ Đối với chăn nuôi

- Tiếp tục khôi phục và phát triển tổng đàn, tăng quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có đồng thời với việc cải tạo giống, phòng chống dịch bệnh, thay thế dần các giống vật nuôi có năng suất thấp, bằng các giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao hơn. Thí điểm và nhân rộng các mô hình nuôi đặc sản như: lợn rừng, nhím và các loại động vật khác có nguồn gốc từ rừng để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời giảm mối đe dọa đối với các loại động vật quý hiếm, góp phần bảo tồn hệ động vật tự nhiên của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Về lâm nghiệp: Rà soát, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, giao đất, giao rừng đến các hộ gia đình và cộng đồng quản lý khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ. Thực hiện lâm nghiệp xã hội, kết hợp với tạo việc làm bằng nhiều ngành nghề, đa dạng để ổn định sinh kế cho người dân vùng có rừng, nhằm khắc phục tình trạng đốt phá rừng, săn bắn thú rừng và khai thác lâm sản trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Phấn đấu đến trước năm 2020 đạt 100% rừng và đất rừng đều có chủ.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người dân vùng đệm. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng để nâng cao đời sống cho dân cư, phấn đấu đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp thời kỳ 2014-2020 tăng 9,35%, dự kiến thời kỳ 2021-2030 tăng 9,45%.

Tiếp tục trồng rừng và quy hoạch lại rừng trồng hợp lý theo dạng lập địa bằng các loại cây bản địa, cây có giá trị kinh tế cao đã được xác định như: Huê, bời lời, keo lai, tre điền trúc,….góp phần tăng thu nhập và bảo vệ môi trường sinh thái.  Đối với rừng khoanh nuôi, thực hiện chủ trương lấy ngắn nuôi dài, trồng dặm các cây song mây, dược liệu kết hợp trồng dặm các loài cây lấy gỗ để giải quyết đời sống trước mắt và lâu dài của dân cư.

Xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình quản lý rừng bền vững, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số và các đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng, thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững. Thực hiện có hiệu quả Chương trình REDD+ nhằm hỗ trợ tích cực cho việc phát triển rừng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đệm trồng rừng.

- Về thủy sản: Tận dụng mặt nước sông suối để đánh bắt thủy sản nhằm cải thiện đời sống dân cư, phấn đấu đến năm 2020 đạt 92 tấn và dự kiến đến năm 2030 đạt 100 tấn.Phát triển nuôi trồng thủy sản vùng đệm theo hướng tận dụng ao hồ, mặt nước sông suối hiện có nhằm giải quyết nhu cầu tiêu dùng của dân cư; duy trì các đối tượng nuôi truyền thống, đẩy mạnh nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, giống mới, dễ nuôi, dể tiêu thụ và phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc thù của các xã vùng đệm.

2. Quy hoạch phát triển Thương mại –Du lịch- Dịch vụ

- Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ thời kỳ 2014-2020 tăng 13,5% và dự kiến đến năm 2030 tăng 14,2%. Đưa tỷ trọng ngành TM - DV đến năm 2020 đạt 37% và đến năm 2030 đạt 45%; Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân giai đoạn 2014 - 2020 tăng 5,4%, đến năm 2030 tăng 9%.

- Có chính sách phù hợp để các DN, các nhà đầu tư quan tâm đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch tại vùng đệm. Lấy khu vực đô thị, trung tâm cụm xã, thị tứ, cụm dân cư, chợ, nơi có nút giao thông thuận lợi để xây dựng mạng lưới thương mại, dịch vụ và du lịch; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượngdịch vụ truyền thống, sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch.

a. Thương mại: Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư mở rộng mạng lưới thương mại - dịch vụ, xây dựng các trung tâm, cụm điểm thương mại, mạng lưới bán hàng lưu động, xây dựng và cải tạo các chợ xã để tạo thành mạng lưới bán buôn và bán lẻ vật tư, hàng hóa và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn như: Tân Trạch, Thượng Trạch, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Trường Sơn. Phát triển hệ thống kinh doanh thương mại với nhiều loại hình tổ chức và quy mô doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình.

- Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo: xây dựng thêm kho ngoại quan, bãi kiểm hóa, các cơ sở dịch vụ tại trung tâm cửa khẩu. Xây dựng khu trung chuyển hàng hóa, cụm thương mại gồm: dịch vụ ăn uống, xăng dầu, thông tin liên lạc, nhà nghỉ, các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán hàng hóa và các hoạt động dịch vụ khác tạo thành cụm kinh tế tại khu vực Bãi Dinh.

- Nghiên cứu xây dựng chợ mới có hiệu quả cho các xã chưa có chợ như Thượng Hóa, Trọng Hóa theo quy hoạch nông thôn mới. Nghiên cứu di dời chợ trung tâm xã Trường Sơn đến nơi mới theo quy hoạch để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Đối với các xã chưa đủ điều kiện xây dựng chợ mới thì nên xây dựng trung tâm hay điểm giao dịch thương mại, dịch vụ tại các trung tâm xã như Hóa Sơn, Tân Trạch, Thượng Trạch để đảm bảo phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa cho dân cư. Từng bước cải tạo, nâng cấp các chợ: Chợ trung tâm xã Sơn Trạch, Xuân Trạch, chợ Y Leng và Cha Lo xã Dân Hóa.Từ sau năm 2020: nghiên cứu di dời chợ Trung Hóa do nằm trong hành lang đường Hồ Chí Minh; hình thành chợ cửa khẩu phụ Cà Ròong.

- Hình thành các cụm kinh tế thương mại, dịch vụ, gắn với đô thị mới Phong Nha; các trung tâm cụm xã, các mạng lưới bán lẻ lưu động đến các vùng sâu, vùng xa. Từ sau năm 2020: đẩy mạnh việc xây dựng các cụm kinh tế thương mại, dịch vụ, gắn với các đô thị mới như: Phúc Trạch, Cha Lo - Bãi Dinh, Cà Roòng - Thượng Trạch, các trung tâm cụm xã.

b. Du lịch:  Từ tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái - hang động, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh trên địa bàn vùng đệm, cần tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH gắn với phát triển du lịch nhằm giữ gìn và phát huy giá trị Di sản, giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ vững an ninh, quốc phòng biên giới, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đa dạng hoá các loại hình du lịch sinh thái - hang động, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch mạo hiểm, vui chơi thể thao và nghỉ dưỡng sinh thái.

Coi trọng thị trường khách trong nước và nước ngoài để phát triển thêm các điểm du lịch tại khu vực PNKB như: Động Sơn Đoòng; Động Tú Làn (Minh Hóa); các mô hình du lịch cộng đồng Homestay… Kêu gọi các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đầu tư xây dựng và khai thác Động Sơn Đoòng, hệ thống hang động Phong Nha Kẽ Bàng và xây dựng đường cáp treo đạt đẳng cấp quốc tế để phát triển du lịch.

Gắn việc tổ chức các tuyến du lịch sinh thái, du lịch tham quan cảnh quan Vườn Quốc gia, du ngoạn trên Sông Son, du lịch hang động Phong Nha, du lịch mạo hiểmhang động với du lịch tâm linh ở Hang tám thanh niên xung phong, du lịch cộng đồng ở Chày Lập xã Phúc Trạch, du lịch Hang Én và Khe nước Rụng xã Dân Hóa, Hang Aki (Thượng Hóa ), du lịch tắm suối Nước Moọc xã Sơn Trạch và các điểm khác trong vùng đệm. Cần kết hợp với các tour du lịch Phong Nha với tổ chức tham quan các địa danh, di tích lịch sử, cách mạng trong vùng như Cha Lo, Cổng Trời, trận địa Nguyễn Viết Xuân (Dân Hóa), đồi Cha Quang (Trọng Hóa), ngầm Khe Rinh (Trung Hóa), động Tú Làn- Minh Hóa, bến phà Nguyễn Văn Trổi, bến phà Xuân Sơn (Sơn Trạch), Sở chỉ huy Bộ tư lệnh 559, hầm giấu xe và hang chứa kho tàng…hoặc kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa tộc người ở bản Arem, Rục, Hội rằm tháng 3 ở Minh Hóa, Lễ hội văn hóa ở Bản Khe Cát xã Trường Sơn...

- Tổ chức các tuyến du lịch trong vùng chủ yếu như:

+ Tuyến du lịch quốc gia và quốc tế: Con đường Di sản miền Trung (theo Quốc lộ 1A; tuyến du lịch theo đường Hồ Chí Minh huyền thoại; tuyến du lịch theo hành lang Đông - Tây (Cha Lo-Phong Nha- Đồng Hới).

+ Tuyến du lịch nội tỉnh: Đồng Hới - Phong Nha - Đá Nhảy; Đồng Hới - Phong Nha - Hang Tám Cô - du lịch cộng đồng thôn Chày Lập.

+ Ngoài ra cần mở thêm tuyến du lịch đường sông từ Sông Gianh lên động Phong Nha, tuyến du lịch bằng xe thô sơ hay đi bộ từ bến phà Xuân Sơn lên cửa động Phong Nha, mở tuyến đường bay trực thăng du lịch từ Đồng Hới đi động Sơn Đoòng để khai thác, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuyến du lịch từ Núi Thần Đinh - sông Đại Giang – Thác Tam Lu-xã Trường Sơn.

c. Vận tải: Tăng nhanh năng lực vận tải trong vùng bằng hình thức xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hóa và hành khách, đặc biệt là hành khách du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng và du lịch các di tích lịch sử văn hóa trong vùng đệm; nâng cao chất lượng và an toàn giao thông trên tất cả các loại hình vận tải.

d. Dịch vụ bưu chính, viễn thông: Tăng cường xã hội hóa và đẩy mạnh dịch vụ chuyển phát nhanh trên địa bàn; nâng cao chất lượng các dịch vụ mới như dịch vụ trọn gói hàng hoá, dịch vụ mua bán hàng hoá trên mạng, dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán... Sử dụng tốt mạng bưu chính công cộng để kinh doanh các dịch vụ tài chính, tiết kiệm, chuyển tiền, phát hành báo chí và các dịch vụ khác để cung cấp cho nhân dân với chất lượng cao, an toàn.

e. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn: Mở rộng, khai thác và cung cấp các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn trên địa bàn các xã vùng đệm. Tăng cường dịch vụ nhận tiền gửi và cho vay, các tiện ích ngân hàng, sử dụng thanh toán tiền qua ngân hàng. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tăng cường loại hình dịch vụ tư vấn, đặc biệt là tư vấn pháp luật phục vụ đời sống nhân dân nhằm tạo nề nếp làm ăn, sinh sống theo pháp luật trên địa bàn vùng đệm.

3. Quy hoạch phát triển ông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn

- Phấn đấu đưa giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN (theo giá so sánh 2010)đến năm 2020: 170,5 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2030 đạt 776 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2014 - 2020: 17,2%, thời kỳ 2021-2030: 16,4%.

- Khuyến khích phát triển TTCN- ngành nghề nông thôn ở vùng đệm, chú trọng khôi phục phát triển các ngành nghề truyền thống, những sản phẩm có thị trường tiêu thụ và thu hút nhiều lao động như: mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây tre đan, rèn đúc, bún bánh, nón lá, chổi đót… Đầu tư nâng cao chất lượng, phát triển và du nhập một số nghề mới, mặt hàng mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường như: mộc mỹ nghệ chạm khảm cao cấp, mây tre mỹ nghệ, sản xuất hàng lưu niệm và tiêu dùng phục vụ du lịch.

- Phát huy tiềm năng, khai thác có hiệu quả lợi thế của các xã vùng đệm để phát triển CN-TTCN; chế biến nông, lâm sản; mở thêm các ngành nghề sản xuất, chế biến sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Phát triển cơ khí sữa chữa, thay thế, phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp, sản xuất sản phẩm cơ khí nhỏ, sơ chế nguyên liệu, sản xuất công cụ lao động phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp và ngành nghề nông thôn, để hàng năm có 1-2 cơ sở sản xuất mới ra đời. Khuyến khích phát triển các cơ sở may mặc tư nhân quy mô nhỏ trên địa bàn các xã để giải quyết lao động tại chổ; phát triển, nhân nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để phục vụ nhu cầu tại chổ và cho khách du lịch, giải quyết việc làm cho dân cư vùng đệm.

+ Từng bước đầu tư xây dựng cụm điểm CN-TTCN kết hợp với dịch vụ tại các trung tâm cụm xã Trung Hóa, Phúc Trạch, Hưng Trạch và Phú Định (theo quy hoạch đã duyệt).

+ Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cao su tại Trung Hóa và Phú Định. Xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung quy mô nhỏ và xây dựng tổ hợp đa nghề tại: Phúc Trạch, Sơn Trạch và tại các trung tâm cụm xã Y Leeng (Dân Hóa), Phú Định, Khương Hà (Hưng Trạch) để phục vụ cho dân cư.

+ Đẩy mạnh sản xuất đồ mộc dân dụng và mỹ nghệ, đồ sắt xây dựng, hàng thêu ren, mây tre đan, chế biến thức ăn gia súc tại các đô thị, trung tâm cụm xã để phục vụ du lịch và nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, các hoạt động đào tạo tập huấn, du nhập nghề mới, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật. Mời các chuyên gia, nghệ nhân giỏi, có kinh nghiệm về các lĩnh vực mây tre đan mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, thêu tranh, đúc đồng, dạy nghề và truyền nghề cho người lao động của các cơ sở sản xuất TTCN.

4. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật chủ yếu của vùng đệm

- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển vùng đệm. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng KTXH nhất là hạ tầng kinh tế để tạo bước đột phá trong phát triển KTXH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

+ Về giao thông: Tập trung đầu tư và hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông tỉnh lộ đi qua vùng đệm, đường liên huyện, liên xã, đưa hệ thống các công trình giao thông tỉnh lộ vào đúng cấp bậc kỹ thuật quy định. Chú trọng đầu tư các công trình mang tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng như: đường tuần tra biên giới, các tuyến đường mở rộng đô thị nối với các vùng khác trong huyện; các tuyến đường trên vùng biên giới Việt - Lào. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chương trình cứng hóa giao thông nông thôn.

+ Về thủy lợi: Từng bước nâng cấp, đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa hiện đại hóa hệ thống hồ đập, kênh mương thủy lợi, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho diện tích lúa nước và sinh hoạt dân cư.

+ Nước sinh hoạt: Đầu tư đồng bộ hệ thống cung cấp nước hợp vệ sinh cho dân cư vùng đệm, phấn đấu đến năm 2020 có 80% và đến năm 2030 có trên 95% dân cư vùng đệm được dùng nước hợp vệ sinh.

+ Điện, trường, trạm: Phấn đấu đến năm 2016 có 100% xã có điện. Đến năm 2020 có 95% thôn bản và trên 97% số hộ dùng điện; có 45-50% trường mầm non, 85-90% trường TH, 65-70% trường THCS và 85% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Dự kiến đến năm 2030 có 100% thôn bản có điện và 99% số hộ dùng điện; 65-70% trường mầm non, 100% trường học các cấp và 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

5. Phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư

- Xây dựng đô thị Phong Nha xứng đáng là vai trò chức năng đô thị du lịch và dịch vụ; đô thị khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo- Bãi Dinh là trung tâm KTXH miền núi phía Tây của tỉnh. Các đô thị Phúc Trạch, Thượng Trạch sẽ là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển của các xã trong vùng. Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển các khu đô thị mới. Giải quyết vấn đề cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn ở các đô thị. Phủ sóng phát thanh truyền hình các đô thị theo hướng chất lượng cao.

- Phấn đấu từ nay đến năm 2020: thành lập mới đô thị Phong Nha thành đô thị loại 5; xây dựng và phát triển 5 trung tâm cụm xã và thị tứ như: Y Leeng (Dân Hóa), Trung Hóa, Phú Định, Troóc (Phúc Trạch) và Khương Hà (Hưng Trạch).

- Đến năm 2030 thành lập thêm 3 đô thị mới: Troóc-Phúc Trạch, Cà Roòng Thượng Trạch, đô thị cửa khẩu Cha Lo - Bải Dinh thành đô thị loại 5; mở rộng ranh giới hành chính đô thị Phong Nha bao gồm toàn bộ xã.

- Phương hướng phát triển các đô thị:

+ Đối với đô thị Phong Nha: Phát triển đô thị theo hướng tập trung quỹ đất phía Đông đường Hồ Chí Minh; gắn kết với không gian sinh thái ven sông Son, không gian tuyến đường Hồ Chí Minh với không gian du lịch sinh thái bảo tồn rừng của di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Khai thác nút giao giữa tuyến đường Hồ Chí Minh với tỉnh lộ 20 để xây dựng không gian trung tâm đô thị. Đầu tư mới và nâng cấp hạ tầng KTXH đồng bộ, phát triển mạnh TTCN và ngành nghề truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch góp phần thúc đẩy KTXH trong vùng cũng như các trung tâm cụm xã khác phát triển, làm cơ sở cho việc nâng cấp từ đô thị Trung tâm Phong Nha lên đô thị toàn xã.

+ Đối với đô thị Troóc -Phúc Trạch: Phát triển đô thị chủ yếu về phía Bắc đường Hồ Chí Minh, hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, phục vụ cho việc phát triển du lịch và phụ trợ cho công tác bảo tồn và phát triển Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; tạo thành trung tâm giao lưu sản phẩm hàng hóa cây ăn quả, lâm nghiệp của 3 xã Phúc, Lâm, Xuân; gắn kết với đô thị Phong Nha để tạo thành trung tâm du lịch lớn của tỉnh.

+ Đối với đô thị Cà Roòng-Thượng Trạch: Phát triển không gian đô thị theo hướng mở rộng 2 bên trục Tỉnh lộ 20 ở trung tâm xã, kết hợp khai thác các thế mạnh của khu vực cửa khẩu phụ Cà Roòng – Noọng Ma.

+ Đối với đô thị cửa khẩu Cha Lo-Bãi Dinh: Hướng phát triển không gian: chủ yếu phát triển ở khu trung tâm của khẩu và dựa trên tuyến đường Quốc lộ 12A, tuyến đường nối từ Bãi Dinh đi các bản phía Tây; hình thành cụm kinh tế và dân cư tập trung ở Bãi Dinh, với các hoạt động dịch vụ ăn uống, xăng dầu, nhà khách, bưu điện, thương mại và hệ thống kho bãi; xây dựng khu trung tâm hành chính và hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ như đường giao thông, điện, cấp nước, trạm phát lại truyền hình, nhà văn hóa, trường học, công trình thể thao...; các cơ sở thương mại, dịch vụ để bộ mặt đô thị được phát triển.

- Phương hướng phát triển các trung tâm cụm xã, thị tứ:

+ Trên cơ sở các điểm dân cư hiện có trong vùng đệm như Y Leeng (Dân Hóa), Trung Hóa, Phú Định, Troóc (Phúc Trạch) và Khương Hà (Hưng Trạch): cần đầu tư hoàn thiện khu trung tâm hành chính, hoàn thiện hạ tầng, các cơ sở kinh tế, dịch vụ, nâng cấp các chợ, xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa, thông tin, TDTT theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt.

+ Đầu tư hoàn thiện hạ tầng KTXH, phát triển mạnh các cụm thương mại, dịch vụ; các cở sản xuất TTCN dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Không gian quy hoạch cần kết hợp giữa phát triển tập trung và phân tán; xây dựng cụm trung tâm dịch vụ, công cộng, kết nối với không gian sản xuất nông lâm nghiệp.

6. Phát triển theo các hành lang kinh tế

6.1. Hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh

Đây là vùng đồi khó khăn phía Tây của tỉnh, hiện vùng đệm có 9 xã: Thượng Hóa, Trung Hóa, Hưng Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Phú Định, Tân Trạch, Trường Sơn nằm trên hành lang đường Hồ Chí Minh (cả nhánh Đông và Tây). Phương hướng phát triển KTXH của các xã vùng đệm nằm trên hành lang đường Hồ Chí Minh cần tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sau:

- Huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên rừng, đất rừng, xây dựng vườn đồi, vườn rừng theo hướng nông lâm kết hợp để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ Vườn quốc gia PNKB. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi nhằm khai thác tiềm năng vùng núi, gò đồi, phát triển cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày phục vụ cho chế biến, xuất khẩu và sản xuất hàng hoá như: cao su, hồ tiêu, sắn công nghiệp...

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong vùng hành lang như kêu gọi các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

- Phát triển mạnh các điểm du lịch trong vùng đệm như: Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các quần thể di tích tại xã Sơn Trạch.

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu tập trung vào đầu tư các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh qua vùng đệm như tỉnh lộ 20. Từng bước phát triển đô thị gắn với các cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng các thị trấn, trung tâm cụm xã, để tạo động lực cho toàn khu vực.

- Đối với lĩnh vực văn hoá xã hội: đẩy mạnh chương trình giải quyết việc làm, ưu tiên đầu tư tạo việc làm và đa dạng hoá việc làm, thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao dân trí cho vùng nghèo, tạo điều kiện cho các xã nghèo vùng hành lang đường Hồ Chí Minh vươn lên thoát nghèo.

6.2. Hành lang kinh tế đường Quốc lộ 12A

Nằm trong hành lang đường Quốc lộ 12A có 2 xã thuộc vùng đệm là Dân Hóa và Trọng Hóa. Phương hướng phát triển KTXH của các xã vùng đệm nằm trên hành lang đường Quốc lộ 12A cần tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sau:

- Trên cơ sở thúc đẩy phát triển hệ thống trung tâm xã, cụm xã như Bãi Dinh, Y Leeng và các đô thị khác trên trục hành lang sẽ tạo động lực phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo và Khu Kinh tế Hòn La.

- Từng bước phân bố lại dân cư và lao động, giải quyết việc làm tại chỗ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khối thương mại, dịch vụ và công nghiệp; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao mức sống dân cư. Quan tâm bồi dưỡng lực lượng cán bộ trong vùng, đặc biệt là cán bộ quản lý.

7. Phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực xã hội

7.1. Phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề và nguồn nhân lực

Tạo được sự chuyển biến cơ bản, đồng bộ và toàn diện trong công tác giáo dục đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao và đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi trọng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng đệm.

- Đối với mầm non: Phấn đấu đến năm 2020 có 85-90% và đến năm 2030 có trên 95% số cháu trong độ tuổi vào mẩu giáo. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 100% số xã cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, có 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn hoá.

- Đối với bậc tiểu học: Phấn đấu đến năm 2020 có 100% trường đủ phòng học 2 buổi/ngày; có 100% xã đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, có 90% trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, trong đó có 50 % đạt cấp độ 2. Đến năm 2030 có 100% số trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, 80% đạt cấp độ 2, có 50% giáo viên có trình độ đạt chuẩn.

- Đối với bậc trung học cơ sở: Phấn đấu duy trì vững chắc phổ cập trung học cơ sở. Đến năm 2020 đạt 100% số phòng học được xây dựng kiên cố; có 70% số trường đạt chuẩn quốc gia; 100% số trường có phòng máy vi tính phục vụ học tập; có từ 50 - 60% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và đến năm 2030 có từ 70 - 80% giáo viên có trình độ đạt chuẩn.

- Phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% cán bộ cấp xã được học tập bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý, pháp luật, kinh tế, xã hội. Trên 85% số lao động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp được tiếp cận và hưởng thụ các chương trình bồi dưỡng nâng cao, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ. Có 45% lao động được đào tạo, trong đó 35% được đào tạo nghề và đến năm 2030 có 60% lao động được đào tạo, trong đó có 50% được đào tạo nghề. Đến năm 2020 có 60% thanh niên đến tuổi lao động được đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ tại trường dạy nghề để có kỹ năng ít nhất 1 nghề.

Thực hiện tốt vấn đề hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh, đẩy mạnh các hoạt động của trung tâm giáo dục cộng đồng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công của các huyện có xã vùng đệm để phổ cập kiến thức khoa học phổ thông cho người lao động.

 Mở rộng hình thức trực tiếp dạy nghề trong doanh nghiệp, làng nghề, hình thành mạng lưới dạy nghề với nhiều hệ thống, nhiều cấp độ để tăng nhanh quy mô dạy nghề cho dân cư; đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường, đưa vào giảng dạy các ngành nghề mới như: điện tử, tin học, xây dựng... để có thể đi tìm kiếm việc làm nơi khác. Đào tạo các ngành nghề truyền thống, truyền nghề mới thủ công mỹ nghệ, hàng gỗ mỹ nghệ cao cấp, chạm khảm... phục vụ du lịch.

Xây dựng chương trình chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức trong mỗi xã nhằm đáp ứng với xu thế phát triển trong từng giai đoạn cụ thể. Quan tâm đến đội ngũ thanh niên có năng lực, tâm huyết đã học hết THPT đã được đào tạo phù hợp, đưa vào dự nguồn cán bộ phù hợp với nhu cầu của xã để tạo nguồn nhân lực phục vụ lâu dài tại xã.

7.2. Phát triển y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân

- Nâng cao chất lượng và từng bước xã hội hóa các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏa cho nhân dân. Xây dựng mạng lưới y tế xã gắn với chương trình phát triển nông thôn. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phấn đấu đến 2020, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 15-16%, dự kiến đến năm 2030 còn 9-10%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 97%. Từ năm 2014 trở đi: ổn định 100% trạm y tế có bác sĩ. Đến năm 2020 có 100% trạm y tế đủ cán bộ và đủ cơ cấu các chức danh theo quy định, có 85% và đến năm 2030 có 100% xã vùng đệm đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHH gia đình đi đôi với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

7.3. Phát triển văn hoá, thể thao

- Nâng cao trình độ hiểu biết và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các tộc người thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đặc biệt là tập trung xây dựng đời sống văn hoá các thôn, bản.

- Phát triển mạnh phong trào văn hoá quần chúng theo hướng đa dạng hoá loại hình hoạt động, xã hội hoá hình thức đầu tư. Khuyến khích, khôi phục và phát triển các loại hình văn hoá nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian của các xã trong vùng đệm.

- Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng một cách vững chắc với nhiều đối tượng, thể thao nghiệp dư, nhất là đối với trẻ em, thanh thiếu niên.

- Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất TDTT cho các xã nghèo, biên giới. Chú trọng phát triển hệ thống câu lạc bộ thể dục thể thao, xây dựng gia đình và làng xã thể dục thể thao rộng khắp trong vùng. Phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian mang bản sắc văn hoá đồng quê.

7.4. Dân số, lao động và giải quyết việc làm

Tiếp tục thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Từng bước nâng cao chất lượng dân số, giải quyết đồng bộ về chất lượng dân số và phân bố lại dân cư, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần con người. Phấn đấu đưa tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm thời kỳ 2014-2020 là 0,77% và thời kỳ 2020-2030 là 0,9%, để ổn định quy mô dân số 69.175 người vào năm 2020 và đến năm 2030 là 75.657 người.

Nâng cao chất lượng, nâng tỷ lệ lao động có trình độ, tay nghề cao, giảm dần số lượng lao động giản đơn. Với qui mô dân số như trên, đến năm 2020 lao động trong độ tuổi là 41.505 người, đến năm 2030 lên 46.150 người, chiếm tỷ trọng61% so với dân số. Giải quyết tốt việc làm cho người lao động, phấn đấu giải quyết việc làm hàng năm thời kỳ 2014 - 2020 là 3.900 lao động, dự kiến thời kỳ 2021- 2030 là 4.100 lao động. Phấn đấu lao động được sử dụng trong các ngành kinh tế đến năm 2020 là 39.915 người và năm 2030 là 44.638 người.

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông lâm ngư đến năm 2020 còn 76,5%, đến năm 2030 còn 69%; tăng lao động CN-XD: đến năm 2020 chiếm 6,5%, đến năm 2030 chiếm 10%; Tăng lao động dịch vụ đến năm 2015 chiếm 14%, đến năm 2020 chiếm 17%, đến năm 2030 tăng lên 21% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Có chính sách ưu tiên con em các xã vùng đệm tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, tạo công ăn việc làm và ưu tiên trong tuyển dụng viên chức vào làm việc trong các đơn vị của Vườn QG.

8. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

- Phấn đấu đến năm 2015 trở đi, có 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hay được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải.

- Khai thác hợp lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng xanh,phát triển bền vững.

- Phòng chống suy thoái, ngăn chặn, xử lý, khắc phục và tiến tới kiểm soát tình trạng ô nhiểm môi trường do các loại chất thải gây ra.

9. Quy hoạch phát triển KTXH theo không gian lãnh thổ

Xuất phát từ các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, các xã vùng đệm được phân chia thành 3 vùng kinh tế cơ bản sau:

Vùng 1- Miền núi, trung du

Gồm các xã nằm trên hành lang đường Hồ Chí Minh: Hưng Trạch, Sơn Trạch, Phú Định, Phúc Trạch, Xuân Trạch (huyện Bố Trạch); xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa). Đây là vùng tập trung dân cư, có điều kiện để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, TTCN và dịch vụ, là vùng có tiềm năng phát triển du lịch Vườn QGPNKB và du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng, là vùng động lực quan trọng để phân bố lại lực lượng sản xuất, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế hàng hóa.

Phương hướng sản xuất chủ yếu của vùng 1 là: Phát triển cây cao su, tiêu, lạc, lúa, ngô, sắn; chăn nuôi bò, lợn và trồng rừng; phát triển CN-TTCN và dịch vụ du lịch.

Vùng 2: Vùng cao, biên giới

Gồm các xã biên giới: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Đây là vùng khó khăn của vùng đệm nhưng có nhiều tiềm năng thế mạnh về rừng, phát triển chăn nuôi.

Phương hướng sản xuất chủ yếu của vùng 2 là: Phát triển cây ngô, cao su, lạc, sắn; chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng và thương mại dịch vụ.

 Vùng 3: Vùng đệm trong

Toàn bộ xã Tân Trạch (gồm 2 bản: bản Arem và bản Đòong) với diện tích vùng đệm trong khoảng 200 ha. Đây là khu vực nằm giữa vùng lỏi, dân cư ít nhưng có tác động rất lớn đến việc bảo vệ và phát triển Vườn quốc gia PNKB.

Phương hướng phát triển vùng đệm trong là: trồng cây lương thực, cây có củ, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và bảo vệ rừng.

10. Cũng cố quốc phòng, an ninh

- Thường xuyên giáo dục nhiệm vụ quốc phòng - an ninh cho cán bộ, nhân dân, dân quân tự vệ vùng đệm.

- Chú trọng xây dựng thôn, xóm làng, bản, cụm dân cư vững mạnh, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng thôn và công an viên, xã đội viên để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và công tác an ninh, quốc phòng ở từng thôn, từng cơ sở.

- Đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu vực an ninh vững chắc, nhất là ở biên giới. Tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định tình hình an ninh thôn xóm.

:
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.