Những khác biệt “khắc nghiệt”
Ít ai biết rằng, trước thời điểm Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Bình năm 2021 diễn ra, tại buổi họp bàn kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện này vào sáng 7/12/2020, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Bình đã thảo luận khá lâu về tên gọi và chủ đề của Hội nghị. Cuối cùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng đã chốt lại nội dung chủ đề của Hội nghị là “Quảng Bình - Tiềm năng, an toàn, khác biệt”.
Với những tiềm năng và lợi thế của mình, với tư duy và cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Quảng Bình, cùng với lời hứa đầu tư và những cam kết nguồn lực tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, tỉnh Quảng Bình sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới để phát triển quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, trở thành mảnh đất đáng sống. Chính phủ cũng sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình phát triển. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Đối với các nội dung “tiềm năng” và “an toàn”, có lẽ không cần nói đến quá nhiều, bởi Quảng Bình từ lâu đã được biết đến là một trong những địa phương sở hữu “rừng vàng, biển bạc”, là mảnh đất yên bình, an lành, nơi con người chân thành, gần gũi, hiếu khách.
Khác với nhiều địa phương trên cả nước, Quảng Bình là tỉnh ven biển, dựa lưng vào dãy Trường Sơn, tiếp giáp với Lào, hẹp nhất về chiều ngang, có sân bay, có cảng biển, là điểm kết nối tất cả các tuyến giao thông Bắc - Nam và là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây thông qua cửa khẩu Cha Lo, đi xuống cảng Hòn La. Quảng Bình còn là địa phương có đầy đủ hình thái của các khu vực đồng bằng, trung du, miền núi. Trong đó, vùng đồng bằng chiêm trũng gồm 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, được bồi đắp bởi phù sa của 2 con sông Kiến Giang và Long Đại, từng được người xưa ví von với mảnh đất Đồng Nai về độ màu mỡ, phì nhiêu qua câu: “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”.
Thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Bình một hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng với độ che phủ rừng lên đến 67% (lớn thứ 2 cả nước). Nhưng thiên nhiên cũng mang đến cho Quảng Bình 2 thứ “đặc sản” khắc nghiệt là nắng lắm, mưa nhiều. Cùng với mùa hè nắng rát với gió Lào khô khốc, thì hàng năm, cứ mỗi độ Đông sang, những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, kết hợp với hoàn lưu từ các rìa cơn bão ở ngoài khơi xa mang đến cho Quảng Bình những trận mưa lớn và gây ra lũ lụt. Lũ lụt cứ thế tái diễn như một phần cuộc sống của nhân dân Quảng Bình từ năm này qua năm khác. Tuy vậy, lũ lụt cũng mang lại phù sa màu mỡ, làm tươi tốt thêm cho cây trồng…
Với hệ thống quần thể hang động đồ sộ, Quảng Bình có tiềm năng trở thành trung tâm du lịch của thế giới
Nhìn nhận thực tế, chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong tư duy phát triển cũ, các điều kiện cơ bản như khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng của Quảng Bình đều không thuận lợi để phát triển kinh tế. Gió, cát, nắng và bão lụt - những “đặc sản” của Quảng Bình cho đến nay căn bản đều là những bất lợi lớn cản trở phát triển kinh tế theo mô thức truyền thống trong tất cả các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
“Quảng Bình nghèo vì có quá nhiều cát, nhiều nắng gió và bão lụt. Cứ mấy năm, thiên tai, lũ lụt lại đẩy cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư Quảng Bình thụt lùi nhiều năm. Người dân Quảng Bình can trường, mạnh mẽ, lại lạc quan làm lại. Nhưng rõ ràng, cái giá phải trả cho phát triển ở miền đất này là quá đắt”, ông Thiên nhìn nhận.
Tuy vậy, PGS-TS. Trần Đình Thiên cho rằng, hiện nay, thời đại đã thay đổi, cách nhìn về tiềm năng và lợi thế phát triển cũng không còn như trước đây. Do đó, những gì là bất lợi thế phát triển của Quảng Bình theo mô thức tăng trưởng và phát triển cũ, thì giờ đây có thể trở thành lợi thế phát triển, thậm chí là lợi thế tuyệt đối trong mô thức phát triển mới.
Tiềm năng phát triển trong tư duy mới
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, quá trình “đảo phách” tư duy phát triển đang diễn ra với gia tốc ngày càng cao, mặc dù tầm nhìn chiến lược, mô hình phát triển mới của tỉnh cho đến nay vẫn chưa định hình đầy đủ. Tuy vậy, Quảng Bình có những lợi thế phát triển mang tính “tuyệt đối” ở tầm rất cao nhờ sở hữu các điều kiện hết sức khác biệt.
Trước hết, với một khu vực cát trắng khô cằn rộng lớn ven biển, cộng với nắng và gió - những yếu tố vốn làm cho Quảng Bình kém phát triển và khó phát triển suốt nhiều thế kỷ, thì nay đang trở thành nguồn lực quý báu để phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng các sân golf, khu du lịch độc đáo.
Thứ hai, từ “xứ sở của núi đá vôi”, giờ đây, dưới ánh sáng của những phát hiện mang tính thời đại, Quảng Bình đã chuyển thành “xứ sở của vương quốc hang động thế giới”, với những hang động được xếp hạng đẳng cấp cao nhất trên mọi phương diện.
“Đây là lợi thế tuyệt đối, xét cả trên phạm vi thế giới. Hệ thống hang động độc nhất vô nhị thế giới sẽ có giá trị định vị tầm, thế và đẳng cấp phát triển của Quảng Bình hiện đại. Hơn thế, nó sẽ còn là yếu tố định vị hình ảnh, thương hiệu và giá trị Việt Nam trên thế giới. Và xin lưu ý, du lịch núi cao, hang sâu, động đẹp sẽ trở thành xu hướng mạnh mẽ bậc nhất của thế giới trong tương lai”, PGS-TS. Trần Đình Thiên khẳng định.
Quảng Bình cũng không phải chỉ có nắng, gió, cát hay lũ lụt. Đây còn là mảnh đất với những tiềm năng, lợi thế đã hiện lên rõ nét và dễ dàng nhìn thấy. Ông Phùng Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tuệ Lâm, Chủ tịch Liên đoàn Karate Quảng Bình, một doanh nhân gốc Hà thành đến sinh sống và lập nghiệp trên mảnh đất Quảng Bình kể lại, gần 5 năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến Quảng Bình, ông đã rất bất ngờ khi nhận ra rằng, Đồng Hới có nhiều nét giống với Đà Nẵng nhiều năm trước đây.
“Đồng Hới cũng có sông Nhật Lệ chảy qua, chia thành phố thành 2 nửa như dòng sông Hàn ở Đà Nẵng. Nhưng nếu nhìn xa hơn, Đồng Hới lại hơn Đà Nẵng ở lợi thế đi sau, nên có thể nhìn ra những thiếu sót ở Đà Nẵng trong chặng đường phát triển để sửa chữa cho tốt hơn. Đồng Hới còn được kết nối với một “kho” tài nguyên kỳ quan hang động hiếm có như Phong Nha - Kẻ Bàng, Sơn Đoòng để có thể trở thành một đô thị du lịch đặc sắc hiếm có và đẳng cấp. Ở khía cạnh này, cách thức phát triển Đà Nẵng thành một đô thị du lịch biển đáng sống sẽ cung cấp nhiều bài học cho Quảng Bình, cho Đồng Hới”, ông Hiệp chia sẻ.
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, không có gì phải nghi ngờ tiềm năng, lợi thế phát triển khác biệt và vượt trội của Quảng Bình so với các địa phương khác. Tuy vậy, muốn phát huy tiềm năng và lợi thế đó, hơn bất cứ địa phương nào khác, Quảng Bình phải kiên quyết vượt qua và thoát khỏi mô thức phát triển vốn có, lề lối hành động cũ. “Đó là điều kiện tiên quyết. Tầm nhìn và tầm vươn đó chính là yếu tố quyết định năng lực thu hút đầu tư hiện đại đúng nghĩa của Quảng Bình”, ông Thiên nhấn mạnh.
Mới đây, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Bình 2021, diễn ra ngày 17/1/2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong nhiệm kỳ mới này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, quyết liệt để tạo môi trường đầu tư thuận lợi và huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cần phải thực hiện tốt một số công việc trọng tâm, như tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn về du lịch của Quảng Bình…
Website tỉnh