Để môi trường đầu tư kinh doanh được thuận lợi, tỉnh đã tham dự, tổ chức nhiều hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm giới thiệu tiềm năng, cơ hội của tỉnh; học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư; làm việc với nhiều đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu hợp tác đầu tư tại tỉnh như Công ty Năng lượng tái tạo Orange Renewable (Singapore) đầu tư các dự án năng lượng tái tạo; đoàn doanh nghiệp tỉnh Hyogo có kế hoạch đầu tư dự án nuôi bò Kobe; đoàn công tác nước Cộng hòa Hung-ga-ri về tình hình thực hiện dự án Cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch... Thông qua đó, nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với các tổ chức, nhà đầu tư của các nước đã được tiến hành ký kết. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư từ các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Đài Bắc, Thái Lan, Đức... cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa bàn. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 91,92 triệu USD.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh đã cấp Chứng nhận đầu tư cho 09 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 83,82 triệu USD; 01 dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 18 triệu USD. Hiện nay, đã làm thủ tục đầu tư cho 01 nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ góp vốn hơn 50% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam với tổng giá trị 22,05 triệu USD. Thống kê cho thấy, năm 2017, tỉnh đã có 45 đoàn ra gồm 150 lượt người xuất cảnh đến các nước như Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hoa Kỳ, Ba Lan... nhằm mục đích tham dự hội đàm, quy tập hài cốt liệt sĩ, học tập kinh nghiệm, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; 63 đoàn vào với 268 lượt người mang quốc tịch Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Phi-lip-pin, Ma-lay-xi-a, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Thụy Sỹ, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Pháp, Hoa Kỳ, Cô-lôm-bi-a, I-ta-li-a... đến tham dự hội thảo, hoạt động báo chí, khảo sát thực địa, nghiên cứu khoa học, thực hiện dự án, thăm trẻ bảo trợ và làm việc với các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, địa phương đã tăng cường công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp.
Cũng trong năm, Quảng Bình đã ký kết Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị lần thứ XX với 09 tỉnh của 03 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan có sử dụng Đường 8 và Đường 12 với các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Khăm Muộn, Bô Ly Khăm Xay (Lào), Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Bưng Càn, Noọng Khai (Thái Lan); ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực của đoàn đại biểu cấp cao giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn (CHDCND Lào); ký kết Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Phát triển châu Á. Ngoài ra, địa phương cũng tích cực triển khai các nội dung của thỏa thuận đã ký với tỉnh Khăm Muộn và tỉnh Savannakhet (CHDCND Lào) trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, biên giới; giải quyết vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú; tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào; hợp tác với các tỉnh của Lào, Thái Lan về giao lưu văn hóa, thể dục - thể thao, giao thông vận tải, thương mại; thỏa thuận với cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài để triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Chỉ riêng năm 2017, tỉnh đã cấp phép tổ chức 04 hội nghị, hội thảo quốc tế về Nghiên cứu nông lâm thế giới (ICRAF), chia sẻ kết quả dự án, tham vấn bên liên quan trong khuôn khổ Dự án Phối hợp đầu tư các hệ thống cây trồng thông minh và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại châu Á - STIP. Các đơn vị như Trường Đại học Quảng Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức hội nghị khoa học quốc tế về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh (ACIIDS) năm 2018 tại tỉnh, hội thảo kỹ năng dạy tiếng Anh cho giáo viên tiểu học; Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tổ chức Hội thảo FLOW2 về Chương trình hỗ trợ phụ nữ lãnh đạo do Bộ Ngoại giao Hà Lan tài trợ.
Mặt khác, tỉnh cũng đã xúc tiến du lịch, mở đường bay Đồng Hới - Chiềng Mai tại tỉnh Chiềng Mai (Thái Lan); tổ chức đoàn đi công tác tỉnh Sakon Nakhon (Vương quốc Thái Lan) để trao đổi về cơ hội hợp tác, đầu tư và quảng bá du lịch của tỉnh; tham dự hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ năm 2017” tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kêu gọi hợp tác đầu tư vào tỉnh Quảng Bình trên lĩnh vực du lịch và thương mại. Nhờ tích cực xúc tiến đầu tư nên năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu tăng trưởng mạnh. Tổng kim ngạnh xuất, nhập khẩu đạt 894 triệu USD, tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 103,3 triệu USD với mặt hàng chủ yếu là vật liệu xây dựng và hàng nông sản; kim ngạch nhập khẩu đạt 790,7 triệu USD gồm chủ yếu trái cây các loại, trâu bò sống...
Thông qua Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Trang Thông tin điện tử của các sở, ngành, tỉnh cũng đã hỗ trợ về thông tin, tư vấn doanh nghiệp nhằm cung cấp những văn bản pháp luật, chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp; tiến hành nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ về khoa học - công nghệ vào sản xuất để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã... phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; tăng cường quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm để hàng hóa của Quảng Bình cạnh tranh với các loại hàng ngoại nhập khác.
Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, địa phương đã tập trung đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước cũng như tạo điều kiện để nhiều đoàn làm phim thực hiện cảnh quay về mảnh đất, con người Quảng Bình. Nhờ đó, du lịch của địa phương đang dần hồi phục với những tín hiệu khả quan. Tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh năm 2017 ước đạt 3,3 triệu lượt, vượt 10% so kế hoạch, tăng gần 80% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 80.000 lượt, tăng gần 109%. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tăng trên 64%, riêng doanh thu chuyên ngành Du lịch ước đạt hơn 620 tỷ đồng, tăng gần 54%.
Tuy nhiên, hiện hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thấp do phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp chưa chủ động trong công tác xúc tiến mở rộng thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia vào các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như: Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, Quỹ đổi mới Khoa học công nghệ... còn ít do doanh nghiệp chưa chủ động giúp tiếp cận các nguồn lực phân bổ của Chính phủ để phát triển các ngành, nghề và lĩnh vực ưu tiên.
Nhận thức được tầm quan trọng của các nội dung trong Nghị quyết số 49/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, sở, ban ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ những chủ trương, chính sách theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chú trọng công tác phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong tỉnh ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả hơn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là chất lượng nội dung tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế đến người dân trên địa bàn tỉnh. Tin rằng với các biện pháp triển khai thực hiện đồng bộ, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh sẽ tiếp tục được phát huy nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh đất nước tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Website UBND tỉnh