Thứ hai, 22/01/2018, 07:59 GMT+7
2629 lượt xem
Chia sẻ:

Quảng Bình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thời gian qua, UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, từng bước cải thiện thứ tự trong Bảng xếp hạng Chỉ số PCI, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

HCC500

Với nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã không ngừng được cải thiện, vai trò, vị thế ngày càng nâng cao. Theo kết quả đánh giá Chỉ số PCI năm 2016, Chỉ số PCI của Quảng Bình đạt 57.55, tăng 0.84 điểm so với năm 2015 (56.71 điểm), xếp thứ 44 trong Bảng xếp hạng PCI 2016 toàn quốc (năm 2015 xếp thứ 50) tăng 06 bậc, nằm trong nhóm khá của cả nước. Một số Chỉ số thành phần được cải thiện đáng kể so với những năm trước như Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, Chỉ số Chi phí thời gian, Chỉ số Tính năng động, Chỉ số Đào tạo lao động, Chỉ số Thiết chế quản lý, Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt, Chỉ số Tính năng động của lãnh đạo tỉnh tăng 29 bậc trong Bảng xếp hạng Chỉ số PCI 2016 toàn quốc (xếp thứ 31), thuộc nhóm chỉ số tốt so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn Chỉ số trong nhiều năm chưa có cải thiện đáng kể tương xứng với những nỗ lực và sự đóng góp của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như Chỉ số Tiếp cận đất đai, Chỉ số Tính minh bạch, Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, để tiếp tục duy trì Chỉ số thành phần có điểm số cao và nâng cao các Chỉ số thành phần còn thấp điểm, cải thiện vị trí trong Bảng xếp hạng Chỉ số PCI và môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2017 và định hướng đến năm 2020, cần có sự nỗ lực nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành địa phương trong những năm tới.

Do đó, trong năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ như triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Bình giúp các ban, ngành có liên quan và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời rà soát, đánh giá nguyên nhân, tồn tại để đưa ra giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong những năm tiếp theo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương có liên quan, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Kế hoạch cải thiện Chỉ số PCI giai đoạn 2016-2017.

Mặt khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã chủ động rà soát, sửa đổi quy định chính sách của tỉnh về doanh nghiệp, đầu tư bảo đảm đồng bộ, phù hợp quy định mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là cắt giảm tối thiểu 20% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ quan Nhà nước; Quy định trình tự TTHC về lĩnh vực đất đai áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nắm bắt quy trình, thời gian thực hiện TTHC trong quá trình chuẩn bị dự án... Toàn tỉnh đã triển khai 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 02 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong đăng ký kinh doanh và cấp Giấy phép lái xe. Hệ thống giao ban trực tuyến đã được đầu tư, mang lại những hiệu quả nhất định; đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, rút ngắn tối đa thời gian thông quan, tạo thuận lợi doanh nghiệp; triển khai Đề án nộp thuế điện tử thông quan 24/7 từ ngày 23/10 với 05 ngân hàng thương mại.

Cùng với đó, các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện cải cách hành chính về thuế đạt mức ASEAN-4 theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; đẩy mạnh công tác hiện đại hóa ngành Thuế, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế như khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, quản lý thuế qua hệ thống TMS. Đặc biệt, cuối tháng 11/2017, UBND tỉnh đã tổ chức thành công hội thi “Tuyên truyền cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình năm 2017” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức viên chức và Nhân dân về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần cải thiện môi trường để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Mặt khác, các ngành, địa phương và đơn vị liên quan định kỳ điều chỉnh, bổ sung và công khai kịp thời trên các kênh thông tin, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh về cơ chế, chính sách, quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, minh bạch, tỉnh đã tổ chức rà soát quỹ đất còn trống, đánh giá thực trạng, trên cơ sở đó ban hành suất đầu tư tối thiểu làm cơ sở để kêu gọi nhà đầu tư có năng lực đối với khu vực có tiềm năng, được nhiều nhà đầu tư quan tâm như Bảo Ninh, Phong Nha, các quỹ đất đất ven biển… đồng thời kiên quyết thu hồi đất những dự án chậm tiến độ thực hiện; niêm yết công khai TTHC tại Phòng Giao dịch một cửa ở các sở, ban, ngành và địa phương, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo trong việc cung cấp thông tin, đa dạng hình thức công khai TTHC trên website đơn vị, in ấn tờ rơi, sổ tay thông tin TTHC... Cùng với đó, UBND tỉnh định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, góp phần tạo được sự đồng thuận cao của doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến các văn bản về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như Nghị quyết số 19/2017/QĐ-HĐND ngày 18/07/2017 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 07/11/2017 của UBND tỉnh về ban hành Quy định thủ tục thực hiện một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020 nhằm cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cũng đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn, đào tạo để nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh cho các nhà quản lý Nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường học tập trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh trong cả nước nhằm nâng cao Chỉ số PCI; triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; giới thiệu chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về Chỉ số PCI để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cán bộ, công chức nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức và các sở, ngành, địa phương. UBND tỉnh cũng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị cải cách thể chế và sự phát triển doanh nghiệp, giải đáp, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp với gần 100 doanh nghiệp tham gia; đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất để tổng hợp, tham vấn cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...

Đặc biệt hơn, ngày 17/01/2018, tỉnh chính thức đưa Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động với việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết 1.021/1.467 TTHC của 12 cơ quan, đơn vị đã thể hiện rõ quyết tâm lớn của Tỉnh ủy, UBND và cả thệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là giải pháp quan trọng, hiệu quả để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, tăng cường tính liên thông trong giải quyết TTHC, góp phần cải thiện chất lượng công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tin rằng, với quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, đưa ra giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ số PCI Quảng Bình tiếp tục cải thiện thứ bậc xếp hạng, hoàn thành mục tiêu nằm trong nhóm hạng từ 20 - 30 của cả nước.

Website UBND tỉnh

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc
Hotline
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.