Thứ năm, 16/07/2020, 09:58 GMT+7
2330 lượt xem
Chia sẻ:

Thị xã Ba Đồn: Bứt phá đầu tư để phát triển

Sau gần 7 năm chia tách từ huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn đang dần khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh Quảng Bình. Với môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, cởi mở cùng với tinh thần cầu thị của lãnh đạo thị xã, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư ở Ba Đồn hứa hẹn sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới.

Phát triển nhanh, đúng hướng

Ngay từ khi chia tách (tháng 12-2003), thị xã Ba Đồn đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình định hướng trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc Quảng Bình. Bám sát mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền thị xã Ba Đồn đã liên tục có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) thị xã giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 10,22%.

Trong đó, thương mại-dịch vụ tăng 12,54%/năm, sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn-xây dựng tăng 10,81%/năm, nông-lâm-ngư nghiệp phát triển đúng hướng, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới, trọng điểm là thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 2 sản phẩm đã được tỉnh công nhận năm 2019; năm 2020 đang tiếp tục xây dựng 2 sản phẩm cấp tỉnh và 3 sản phẩm cấp thị xã.


Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến, hiện thị xã đã có 8 xã về đích nông thôn mới, đạt chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, ngành nghề nông thôn, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp.

Thị xã cũng đã hoàn thành cơ bản quy hoạch chung, quy hoạch phân khu 6 phường và một số quy hoạch chi tiết các dự án về phát triển kinh tế-xã hội, đô thị, như: Khu đô thị Cồn Két, phường Quảng Thuận và các dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại các xã, phường; đồng thời, triển khai điều chỉnh quy hoạch 10 xã nông thôn mới.

Những kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 45 triệu đồng, tăng 76,5% so với năm 2015. Nhiều công trình thương mại, xã hội được hình thành làm cho diện mạo thị xã khang trang, hiện đại hơn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ của người dân ngày một tốt hơn.

Đồng chí Trương An Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ba Đồn cho biết, là một địa phương mới chia tách chưa lâu, tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao nhất và sự đồng lòng của lãnh đạo thị xã, của cán bộ và nhân dân, kinh tế Ba Đồn đã phát triển nhanh, bền vững và đúng hướng, rút ngắn dần quãng đường đưa Ba Đồn trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc Quảng Bình.


Nhà đầu tư về tìm hiểu dự án tại ven biển phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn.

Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai, lãnh đạo thị xã Ba Đồn cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế thị xã Ba Đồn vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó, thu hút đầu tư vẫn chưa trở thành “điểm sáng” làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế thị xã phát triển.

Tạo bứt phá thu hút đầu tư

Nhìn nhận vai trò quan trọng của thu hút đầu tư và xác định rõ: “Bứt phá đầu tư sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội”, thị xã Ba Đồn đang quyết tâm triển khai các kế hoạch để thu hút nhà đầu tư.

Đồng chí Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, thị xã có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Rõ nét nhất là tiềm năng về giao thương và du lịch. Ba Đồn có đầy đủ các loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt), nằm trên tuyến đường thông thương Bắc-Nam, tuyến đường ngoại thương từ Trung Quốc-Lào, Thái Lan, Myanmar (qua cửa khẩu Cha Lo), đồng thời, nằm không xa cảng biển Hòn La.

So với các địa phương của tỉnh, Ba Đồn có lợi thế giao thương thuận lợi, nổi bật. Thị xã cũng có tiềm năng lớn về du lịch khi sở hữu những bãi biển chạy dài, cát trắng còn giữ được vẻ hoang sơ thiên nhiên, rất thích hợp cho phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khám phá….


Dự án ven biển đang triển khai.

“Thị xã Ba Đồn luôn mong muốn, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư vào thị xã, nhất là các dự án lớn về thương mại-dịch vụ-du lịch, đặc biệt là các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển, tạo ra bước phát triển liên hoàn với Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La, cảng Gianh và đường 12A-Quốc lộ 1A. Địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch... để những thế mạnh của Ba Đồn bứt ra khỏi dạng tiềm năng, trở thành hiện thực.

Từ đó, đưa Ba Đồn trở thành điểm đến giao thương hàng hóa trong và ngoài nước, thực sự trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc tỉnh Quảng Bình”, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn Đoàn Minh Thọ nhấn mạnh.

Khắc phục những hạn chế về thu hút đầu tư trong thời gian qua, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn khẳng định, thời gian tới, ngoài thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh để thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động trên địa bàn, thị xã sẽ linh hoạt hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động và phát huy hiệu quả dự án đầu tư, nhất là cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình, hội nghị, hội thảo để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến các nhà đầu tư.

“Cấp ủy, chính quyền thị xã Ba Đồn “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư đến tìm hiểu và xúc tiến đầu tư vào các dự án động lực của thị xã. Lãnh đạo thị xã cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với thị xã và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động, cùng hướng tới mục tiêu đưa Ba Đồn trở thành “địa chỉ đỏ” trong thu hút đầu tư, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-văn hóa Quảng Bình, nâng cao chất lượng đời sống của người dân”, Bí thư Thị ủy Ba Đồn Trương An Ninh khẳng định.

Hội nghị "Đầu tư&phát triển Ba Đồn” diễn ra vào ngày 11-7-2020 là một trong những bước đi đầu tiên, cụ thể hóa những chủ trương, chính sách, hành động và cam kết của thị xã Ba Đồn để thu hút đầu tư. Được biết, đến thời điểm hiện tại đã có 10 nhà đầu tư với 12 dự án đăng ký tìm hiểu và sẽ có ghi nhớ hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực thương mại-dịch vụ-công nghiệp trên địa bàn thị xã với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.

Website UBND tỉnh

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc
Hotline
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.